jupiterHầu hết mọi người, ngay cả một học sinh cũng có thể nói cho bạn nghe về sự tồn tại của Vết đỏ lớn của Sao Mộc (GRS), một cơn lốc khổng lồ kéo dài hàng thế kỷ trong khí quyển của hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời. Nó xuất hiện như một vệt lớn màu đỏ trong những bức ảnh ghi hình hành tinh khí khổng lồ này, và được ước tính là có kích thước gấp 2 hoặc 3 lần Trái Đất.

Nhưng vết đỏ lớn này đang co lại trong một thời gian qua và không ai có thể khẳng định lý do của việc này.

Kính thiên văn không gian Hubble đã quan sát được rằng GRS đã co lại tới kích thước nhỏ nhất từng quan sát được. Với đường kính 16.500 km, GRS lúc này được NASA công bố rằng "có kích thước chưa bằng một nửa so với một số lần đo trong lịch sử". Những quan sát vào cuối những năm 1800 đã từng cho thấy cơn bão này có trục dài trải rộng tới khoảng 41.000 km.

Điều này không có gì mới, theo NASA thì "các nhà thiên văn học đã theo dõi việc co lại này từ những năm 1930." Năm 1979, tàu không gian Voyager 1 và Voyager 2 đã phát hiện rằng GRS có kích thước chỉ còn hơn 23.000 km và đến năm 1995 nó chỉ còn khoảng 21.000 km.

Cho tới nay, chưa có bất cứ quan sát nào, ngay cả của tàu Juno của NASA - tàu không gian đã tới Sao Mộc năm 2016 vừa qua - có thể giải thích được bí ẩn về sự co lại của cơn bão khổng lồ này.

Một video mới của Science Channel đã giải thích hai giả thuyết chính của việc này. Một cơn bão như GRS tự duy trì và lớn lên nhờ việc nuốt lấy những cơn bão nhỏ hơn khác. Khi quét qua một cơn bão khác, nó nuốt lấy cơn bão nhỏ hơn để làm mình lớn lên.

Nhưng một giả thuyết là nếu GRS nuốt lấy những cơn lốc quay theo chiều ngược lại, hay một cơn bão di chuyển chậm, tốc độ quay của nó có thể bị chậm lại và khiến cho cơn bão co lại.

Giả thuyết còn lại đơn giản hơn: nếu không có đủ những cơn bão nhỏ làm thức ăn cho GRS thì nó sẽ không thể duy trì mãi mà sẽ chậm dần lại.

grs1

Quan sát từ năm 1995 đến năm 2014 cho thấy Vết đỏ lớn đang nhỏ đi rất nhanh.

Thực tế cho tới nay, ngay cả thành phần hoá học của các khí trong GRS vẫn còn đang được tranh luận. Theo một nghĩa nào đó, không có gì đáng ngạc nhiên việc chúng ta biết rất ít về cái chết của GRS khi mà chúng ta còn không biết nó đã hình thành ra sao và hoạt động như thế nào.

Phải chăng đây là khởi đâu cho cái chết của một đặc điểm nổi tiếng nhất của Sao Mộc? Dù rất lớn và mạnh mẽ, GRS vẫn là một cơn bão, và mọi cơn bão cuối cùng đều sẽ kết thúc. Nhưng nếu GRS biến mất thì điều gì sẽ xảy ra trong khí quyển Sao Mộc? GRS tạo ra một lượng nhiệt rất lớn, làm nóng phần trên của khí quyển hành tinh, và các nhà khoa học không thể khẳng định được điều gì sẽ xảy ra với Sao Mộc khi không còn lượng nhiệt này nữa.

Nhưng những người yêu thích GRS không cần phải quá lo lắng, vì có lẽ chúng ta sẽ có một kẻ thừa kế ở đây, một "Vết đỏ nhỏ" - một cơn bão đã hình thành vào năm 2000 và đang lớn lên không ngừng kể từ đó. Năm 2008 nó đã có kích thước bằng một nửa của GRS và có lẽ một ngày nào đó sẽ thậm chí lớn hơn GRS. Cũng có thể tại một điểm nào đó hai vết đỏ lớn và nhỏ này sẽ gặp nhau và hợp lại thành một cơn bão mới. Có thể khi đó chúng ta sẽ gọi nó là Vết đỏ vừa phải.

Tuấn Phong
Theo Space Daily