Ở khoảng cách 1.350 năm ánh sáng, trong chòm sao Orion là một khu vực có hoạt động tạo sao mạnh mẽ được gọi là Mây Phân tử Orion 1 (Orion Molecular Cloud 1, viết tắt là OMC-1). Nó là một phần phức tạp của tinh vân Orion nổi tiếng.


Các sao được tạo ra khi một đám mây khí lớn gấp hàng trăm lần Mặt Trời bắt đầu sụp đổ bởi lực hấp dẫn của chính nó. Trong những vùng có mật độ lớn nhất, các tiền sao bốc cháy và bắt đầu trôi dạt một cách ngẫu nhiên. Theo thời gian, một số sao bắt đầu kéo về vùng trung tâm của lực hấp dẫn, thường được kiểm soát bởi một tiền sao đặc biệt lớn. Và nếu các sao áp sát đủ gần trước khi thoát khỏi vườn ươm của chúng, những va chạm dữ dội có thể xảy ra.

Khoảng 100.000 năm trước, một số tiền sao đã bắt đầu hình thành ở sâu trong OMC-1. Lực hấp dẫn bắt đầu kéo chúng lại gần nhau với tốc độ ngày càng tăng, cho tới 500 năm trước, 2 tiền sao trong số đó cuối cùng cũng đụng độ nhau. Các nhà thiên văn không chắc liệu chúng có chỉ đơn giản lướt qua nhau hay đã va chạm với nhau, nhưng dù thế nào, chúng cũng đã gây ra một vụ phun trào mạnh mẽ, đẩy các tiền sao gần đó và hàng trăm dòng suối khí và bụi khổng lồ ra ngoài, vào vùng không gian liên sao với vận tốc lên tới 150km/s. Tương tác dữ dội này đã giải phóng năng lượng nhiều bằng năng lượng mà Mặt Trời phát ra trong 10 triệu năm.

500 năm sau, một nhóm các nhà thiên văn dẫn đầu bởi John Bally (Đại học Colorado, Mỹ) đã sử dụng hệ thống kính lớn quan sát bước sóng milimet/hạ milimet Atacama (viết tắt là ALMA) để quan sát trung tâm của đám mây này. Tại đó, họ phát hiện ra những mảnh vụn từ vụ nổ sinh ra bởi đám sao khổng lồ này. Nó nhìn giống như một loại pháo hoa vũ trụ với các luồng vật chất khổng lồ bắn ra mọi hướng.



Những vụ nổ như vậy được cho là tương đối ngắn, những tàn tích như những thứ quan sát được bởi ALMA chỉ kéo dài vài thế kỷ. Nhưng mặc dù chúng đang trôi qua, những vụ nổ tiền sao như vậy có thể tương đối phổ biến. Với việc phá huỷ đám mây ban đầu, những sự kiện này cũng có thể giúp điều chỉnh tốc độ tạo sao trong các đám mây phân tử khổng lồ.

Những dấu vết về bản chất sự phát nổ của những mảnh vỡ trong OMC-1 được phát hiện lần đầu bởi hệ thống kính hạ milimet ở Hawaii năm 2009. Bally và nhóm của ông cũng quan sát thiên thể này ở bước sóng cận hồng ngoại với kính thiên văn phía Nam Gemini ở Chile, cho thấy cấu trúc đáng kinh ngạc của các dòng vật chất, điểm cuối của mỗi dòng cách nhau gần 1 năm ánh sáng.

Tuy nhiên, những hình ảnh mới của ALMA cho thấy bản chất vụ nổ ở độ phân giải cao, tiết lộ những chi tiết quan trọng về sự phân bố và vận tốc chuyển động cao của Carbon monoxide (CO) trong các dòng vật chất. Điều này sẽ giúp các nhà thiên văn hiều được nguồn gốc của vụ nổ và những tác động mà những sự kiện như vậy gây ra đối với sự tạo sao trong thiên hà.

L.C
Theo Science Daily