Khi Trái Đất chìm trong đêm tối, hoạt động của con người bừng sáng khắp nơi. Như được nhìn thấy từ ngoài không gian, ánh sáng ban đêm mà con người phát ra kể cho chúng ta nghe câu chuyện về cách chúng ta sống, sự liên đới của mọi thứ từ công suất tiêu thụ điện và phát thải CO2 cho đến GDP, dân số và sự đói nghèo của các quốc gia.
Mặc dù những tương quan này đã được nghiên cứu một thời gian, nhưng chỉ có rất ít công cụ toàn diện để khám phá những mối liên hệ toàn cầu.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu từ Trường kỹ thuật và khoa học ứng dụng John A. Paulson (SEAS) thuộc Đại học Harvard và Quỹ bảo vệ môi trường (EDF) đã phát triển một công cụ trực tuyến kết hợp dữ liệu ánh sáng đêm của 21 năm để qua đó hiểu và so sánh được sự thay đổi hoạt động của con người ở các quốc gia trên thế giới.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí PLOS One.
"Ánh sáng ban đêm là chứng nhận cho sự biến đổi của kinh tế và môi trường," Gernot Wagner tại SEAS và là đồng tác giả của bài báo cho biết. "Đây là công cụ toàn diện nhất hiện nay để theo dõi mối liên hệ giữa ánh sáng ban đêm và hàng loạt các chỉ số kinh tế xã hội."
Công cụ này so sánh độ sáng của ánh sáng ban đêm của một quốc gia với công suất tiêu thụ điện, GDP, dân số, sự nghèo đói và phát thải CO2, CH4, N2O cùng các khí Fluor (khí F) tương ứng kể từ năm 1992.
Hoạt động của con người phản ánh qua ánh sáng ban đêm nhìn từ không gian. Hình ảnh được sự dụng dưới sự cho phép của NASA. Lưu ý rằng đây là hình ảnh kết hợp, vì cả hành tinh không thể là đêm cùng một lúc.
Nhóm nghiên cứu thấy sự tương quan phù hợp với nghiên cứu trước đây trong đó ánh sáng ban đêm có sự liên hệ rõ nhất với GDP, công suất tiêu thụ điện và phát thải CO2. Liên hệ với dân số và phát thải các khí khác có phần ít hơn, đồng thời ánh sáng đêm cũng có sự liên hệ với sự đói nghèo (khu vực càng nghèo thì càng ít ánh sáng).
Jeremy Proville - đồng tác giả của bài báo và là nhà phân tích kinh tế ở EDF - nói: "Công cụ này có thể mang lại hiểu biết cho chúng ta về mối liên hệ giữa hoạt động của con người và các yếu tố kinh tế xã hội ở qui mô toàn cầu mà không cần dựa vào những thống kê theo quốc gia thường được thực hiện với những phương pháp và động cơ khác nhau của những người thu thập chúng."
"Nghiên cứu này cho thấy rất nhiều cơ hội để tìm hiểu thêm về thế giới của chúng ra bằng cách kết hợp dữ liệu với những công dụ máy tính mạnh mẽ," Wagner nói.
Tuấn Phong
Theo Space Daily