Vệ tinh Mars Express của ESA đã chụp lại nhiều hình ảnh của một trong những hệ thống dòng chảy lớn nhất trên bề mặt Hành tinh Đỏ. Hệ thống kênh Kasei Valles mở rộng khoảng 3.000km từ vùng đầu nguồn Echus Chasma đến vùng đồng bằng rộng lớn Chryse Planitia.

 

Sự kết hợp của núi lửa, kiến tạo địa chất, sự sụp đổ và sụt lún của vùng Tharsis khiến nhiều nguồn nước ngầm ồ ạt thoát ra từ Echus Chasma và dẫn đến lũ ở vùng Kasei Valles vào khoảng 3,6 đến 3,4 tỷ năm trước. Những cơn đại hồng thủy cổ xưa này đã để lại trên bề mặt Sao Hỏa những nét đặc trưng mà chúng ta thấy được ngày nay.

Nhiều khu vực ở Kasei Valles đã được chụp lại bởi Mar Express trong suốt 14 năm, nhưng những hình ảnh mới được ghi nhận ngày 25/5/2016 đã chụp lại một phần ngay tại miệng của nó.

Một hố va chạm rộng 25 km có tên là Worcester nằm ở gần trung tâm của bức ảnh này, hơi lệch về bên trái, nó đã đứng vững được bất chấp sự ăn mòn gây ra do những cơn lũ lớn.

Trong khi hầu hết lớp vật chất bao phủ quanh hố va chạm (vốn bị ném ra từ phía trong khi xảy ra va chạm) đã bị xóa mòn thì vùng vật chất ở hạ lưu dòng lũ vẫn còn tồn tại. Theo thời gian việc này khiến khu vực này nhìn tổng thể giống như một hòn đảo, với địa hình gợi ý rằng khu vực này đã trải qua nhiều đợt lũ khác nhau hoặc có nhiều sự biến đổi về lượng nước lũ.

Ngược lại, lớp phủ tạo thành từ những mảnh vụn được thấy quanh hố va chạm liền kề vẫn còn nguyên vẹn. Điều này cho thấy hố này được tạo ra do bởi một va chạm khác xảy ra sau trận lũ chính.

Hơn nữa, sự có mặt của lớp phủ này cho chúng ta biết thêm về bản chất của phần dưới bề mặt: trong trường hợp này nó chỉ ra rằng vùng đất ngập này giàu nước hoặc nước đá.

Thực vậy, những hình ảnh này gợi ý rằng những mảnh vụn phóng ra từ một hố rất giàu nước và vì thế cho phép chúng chảy dễ dàng hơn. Khi dòng chảy bị chậm lại thì những mảnh vụn tiếp theo đẩy chồng lên nó và tích lại thành những lớp dày.

Hố va chạm lớn ở vùng phía Bắc (bên phải, phía trên cùng) của bức ảnh không sâu như hố Worcester và hố gần nó. Thực vậy, nó nằm trên một cao nguyên cao hơn vùng đồng bằng phía dưới ít nhất 1 km.

Tuy nhiên, có một vết lõm sâu ở trung tâm hố, gợi ý rằng có một lớp yếu hơn có mặt ở phía dưới vào thời điểm va chạm xảy ra, lớp yếu hơn này có thể là băng.

Quan sát chi tiết cũng cho thấy có một lớp phủ mờ của hố này, bao gồm một phần tràn ra đồng bằng bên dưới. Vật chất trào ra này có những vết dạng rãnh không có ở các hố khác trong hinh. Điều này cho thấy sự khác biệt về bản chất của va chạm, sự khác nhau đó có thể là do năng lượng chuyển hóa trong va chạm, do cách mà vật chất bị đẩy ra từ hố va chạm hoặc do thành phần của vật chất ở cao nguyên này.

Những kênh nhỏ như những nhánh cây có thể được nhìn thấy khắp nơi trên vùng cao nguyên, gợi ý rằng đã có nhiều trận lũ với mức độ khác nhau xảy ra ở đây.

Một số hố nhỏ hơn cũng có thể được nhìn thấy ở khu vực đồng bằng trong bức ảnh này. Chúng có những "cái đuôi" mờ kéo ra theo hướng đối diện với hướng dòng chảy từ Kasei Valles. Những hố như vậy hình thành do những va chạm xảy ra sau trận lũ lớn. Những cái đuôi kia được tạo thành bởi gió thổi về hướng Tây.

Bức ảnh này bởi thế đang giữ kỷ lục về việc cho thấy hoạt động địa chất kéo dài tới hàng tỷ năm trên Hành tinh Đỏ.

Mỹ Linh
Theo ESA