Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển nguyên thủy của Sao Hỏa 3,5 tỷ năm trước là rất thấp, thể hiện qua các trầm tích được tìm thấy bởi thiết bị thăm dò Curiosity của NASA ở các khu vực như hố Gale, trên xích đạo của hành tinh.

 

Điều này và các kết luận khác được rút ra từ bài báo được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).

Khu vực mà Curiosity phân tích từ năm 2012 là một phần của nhiệm vụ Phòng thí nghiệm khoa học trên Sao Hỏa của NASA, gồm chủ yếu các chuỗi trầm tích lắng đọng dưới đáy một hồ nước từ 3,5 tỷ năm trước. Những trầm tích này chứa các khoáng chất thứ cấp khác nhau, như đất sét hoặc sulphate. Điều này cho thấy bề mặt nguyên thủy của khu vực này từng tiếp xúc với nước ở dạng lỏng.

Sự tồn tại của nước lỏng đòi hỏi một nhiệt độ bề mặt ấm áp được tạo ra bởi một lượng CO2 tối thiểu trong bầu khí quyển. Tuy nhiên, điều này không đúng với trường hợp của Sao Hỏa trong giai đoạn đầu của nó. “Mâu thuẫn này có thể do hai khả năng. Hoặc chúng ta chưa phát triển những mô hình khí hậu để lý giải các điều kiện môi trường trên Sao Hỏa ở lúc khởi điểm trong lịch sử của nó, hoặc các chuỗi trầm tích ở Gale được hình thành trong điều kiện rất lạnh”, nhà nghiên cứu Alberto Fairén của CSIC cho biết.

Môi trường rất lạnh
“Tuy nhiên, thiết bị thăm dò đã không tìm thấy các hợp chất carbonate, qua đó xác nhận kết quả của tất cả các nghiên cứu từ các thiết bị thăm dò trước đó: carbonate là rất khan hiếm trên bề mặt Sao Hỏa và do đó, nồng độ CO2 trong khí quyển là rất thấp” Fairén cho biết thêm.

Cụ thể, những phân tích trực tiếp của các mẫu trên bề mặt Sao Hỏa được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đã cho thấy nồng độ CO2 trong khí quyển ở giai đoạn hình thành các trầm tích ở Gale là ít hơn 10 đến 100 lần mức tối thiểu cần thiết để nhiệt độ đủ giữ cho nước lỏng không đóng băng.

Trên Trái Đất, các nguồn carbonate được hình thành trên sông và biển khi CO2 trong khí quyển tương tác với nước lỏng. CO2 là chất khí có khả năng tạo ra hiệu ứng nhà kính, làm nóng hành tinh.

Theo các nhà khoa học, hố Gale trong giai đoạn đầu của Sao Hỏa có thể là một hồ băng, được bao quanh bởi các khối băng khổng lồ. “Môi trường sẽ giống như Bắc Cực ở Canada hay Greenland ngày nay” - theo các nhà nghiên cứu của CSIC.

Ngoài ra, mặc dù băng chiếm ưu thế, nó cũng cho thấy sự đa dạng trong nước lỏng. Sự tạo thành của đất sét và sulphate đã diễn ra ở địa điểm và thời gian cụ thể, theo mùa hoặc dưới một chỏm băng trong các hồ nước lỏng.

L.C
Theo Science Daily