Rạng sáng ngày 11 tháng 2, theo giờ Việt Nam, nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra và có thể được quan sát tại nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, về cơ bản người quan sát chỉ có thể quan sát được một phần rất nhỏ của hiện tượng này.
Nguyệt thực nửa tối là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối tạo ra bởi bóng của Trái Đất. Khác với khi đi vào vùng bóng tối hoàn toàn như khi xảy ra nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, khi đi vào vùng nửa tối này Mặt Trăng vẫn nhận được một phần đáng kể ánh sáng tới từ Mặt Trời nên không chuyển thành màu đỏ sẫm và tối đặc trưng mà chỉ tối đi một chút và xuất hiện một phần sắc đỏ ở phần đi vào vùng nửa tối này. Vì lý do đó, trên thực tế nguyệt thực nửa tối không phải hiện tượng quá đặc biệt, và cũng không hề hiếm có (gần như năm nào cũng có một hoặc hai lần xảy ra). Mặc dù vậy, đối với người yêu thích các hiện tượng tự nhiên nói chung và yêu thích quan sát thiên văn nói riêng thì nguyệt thực nửa tối dù có phần kém hấp dẫn hơn vẫn là một sự kiện đáng chú ý.
Đọc thêm bài: Nhật thực và nguyệt thực
So sánh Mặt Trăng thông thường với khi có nguyệt thực nửa tối. Thực tế khi quan sát trực tiếp sự khác biệt không nhiều và đạc biệt khó nhận ra nếu có ô nhiễm không khí do khói, bụi hoặc ánh sáng.
Rạng sáng 11 tháng 2 này, nguyệt thực nửa tối xảy ra và có thể được quan sát trọn vẹn ở toàn bộ châu Phi, Tây và Trung Âu, một phần Tây Á và một số khu vực phía Đông châu Mỹ. Rất tiếc, Việt Nam nằm trong khu vực chỉ quan sát được một phần của hiện tượng này.
Nguyệt thực nửa tối lần này bắt đầu từ lúc 5 giờ 34 phút theo giờ Hà Nội (áp dụng chung cho cả Việt Nam). Ở thời điểm này Mặt Trăng bắt đầu đi vào bóng nửa tối của Trái Đất và một bên rìa của nó bắt đầu tối đi. Mặt Trăng khi đó ở rất thấp, gần chân trời phía Tây. Điều này có nghĩa là người quan sát cần có vị trí theo dõi phù hợp sao cho có thể nhìn xuống rất sát chân trời Tây (những nơi không có vật cản tầm mắt khi nhìn về phía Tây, thuận lợi nhất là núi, đồi hay trên các tòa nhà cao).
Hình ảnh do NASA thực hiện cho thấy các khu vực có thể quan sát trọn vẹn (vùng màu trắng), khu vực chỉ quan sát được một phần (vùng tối hơn) và khu vực không thể quan sát (vùng tối hoàn toàn)
Tuy nhiên, ngay cả khi có góc nhìn tối ưu và thời tiết hoàn toàn ủng hộ thì việc quan sát vẫn sẽ không thể kéo dài. Mặt Trăng sẽ lặn xuống phía dưới chân trời vào lúc 6 giờ 27 (Trong khi thời điểm cực đại là 7 giờ 43 sáng, khi đó Mặt Trăng đã lặn từ lâu). Nhưng sớm hơn thế nữa là từ trước 6 giờ sáng, tuy Mặt Trời chưa mọc khỏi chân trời nhưng ánh sáng của nó đã bắt đầu làm mờ dần các thiên thể khác trên bầu trời. Đồng thời, thực tế là bạn gần như không có cơ hội nhìn được tới sát chân trời phía Tây khi đứng tại Việt Nam vì một lẽ hiển nhiên, đó là hướng của khu vực lục địa với nhiều vật cản, chưa kể tới ô nhiễm ánh sáng hay sương buổi sáng sẽ cản trở tầm nhìn của bạn.
Tóm lại: Ngay cả khi mọi điều kiện lý tưởng nhất, bạn chỉ có thể quan sát giai đoạn đầu của nguyệt thực diễn ra từ khoảng 5 giờ 34 đến 6 giờ sáng. Trong giai đoạn này, phần đi vào bóng nửa tối chỉ chiếm tối đa hơn 20% diện tích đĩa sáng Mặt Trăng.
Nếu bạn có ống nhòm hoặc kính thiên văn, cùng với điều kiện lý tưởng như đã nêu, bạn sẽ quan sát được tốt hơn hiện tượng này. Nhưng tốt nhất không nên quá kỳ vọng vào nó. Nếu bạn ở trong khu vực nội thành các thành phố lớn, những nơi có nhiều núi đồi hay công trường xây dựng cản tầm nhìn về phía Tây, những nơi có mức độ ô nhiễm cao thì tốt nhất bạn không nên hi vọng gì vào hiện tượng này.
Người quan sát muốn theo dõi trực tiếp nguyệt thực có thể đợi tới đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng 8 năm nay, khi có nguyệt thực một phần xảy ra. Đây là hiện tượng thiên văn đáng chú ý hơn nhiều và Việt Nam sẽ có thể quan sát trọn vẹn nếu thời tiết cho phép.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA)