Một lỗ đen siêu nặng xé nát và ăn dần một ngôi sao trong hơn một thập kỷ. Đây là một thời gian dài kỷ lục được ghi nhận của sự kiện này.

 

Theo các nhà nghiên cứu, sự kiện gián đoạn triều (TDK) này kéo dài gấp 10 lần cái chết của bất cứ ngôi sao nào khác, điều đó có nghĩa là lỗ đen này phá huỷ một sao cực lớn hoặc nó xé nát một cách rất cẩn thận một sao nhỏ hơn.

Nhóm nghiên cứu bắt đầu quan sát sự gián đoạn triều phá huỷ một sao ở quá gần từ tháng 7 năm 2005 với sự hỗ trợ của Đài quan sát Chandra X-ray, vệ tinh Swift và đài quan sát không gian XMM-Newton của ESA.

"Chúng tôi đã chứng kiến sự sụp đổ ngoạn mục kéo dài của một ngôi sao," tác giả chính của nghiên cứu là Dacheng Lin từ Đại học New Hamsphire nói trong một cuộc họp báo. "Hàng tá vụ gián đoạn triều đã được phát hiện từ những năm 1990, nhưng không cái nào trong số đó kéo dài được lâu như vụ này."

Lỗ đen này, được kí hiệu là XJ1500+0154, nằm ở trung tâm của một thiên hà cách Trái Đất khoảng 1,8 tỷ năm ánh sáng. Thiên hà này đã đạt độ sáng cao nhất vào tháng 6 năm 2008 và được các nhà nghiên cứu ghi nhận.

"Trong hầu hết thời gian chúng tôi quan sát thiên thể này, nó lớn lên rất nhanh," đồng tác giả James Guillochon ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, Cambridge cho biết. "Điều này cho chúng tôi thấy điều gì đó khác thường - một sao nặng gấp đôi Mặt Trời của chúng ta đang làm mồi cho lỗ đen."

Phát hiện này cho thấy cái chết của một ngôi sao gây ra bởi lỗ đen không chỉ mang tới thông tin về cách mà các lỗ đen siêu nặng lớn lên, nó còn đưa tới cho các nhà nghiên cứu nhiều thông tin về những lỗ đen đặc biệt và quá trình hình thành của chúng.

Theo các nhà nghiên cứu, ngôi sao đang bị lỗ đen nêu trên xé rách sẽ bị nuốt hết dần trong những năm tới, và sẽ dẫn tới sự thay đổi độ sáng của XJ1500+0154.

Bryan
Theo Astronomy