Các thiên hà lùn, những tập hợp của sao và khí nhỏ hơn Milky Way 100 tới 1.000 lần, được cho rằng chính là những khối cấu tạo nên các thiên hà lớn. Tuy nhiên, bằng chứng về những nhóm thiên hà lùn sáp nhập cho tới tận lúc này mới được tìm ra.
Sử dụng dữ liệu từ khảo sát bầu trời Sloan (SDSS) và những kính thiên văn quang học khác nhau, một nhóm các nhà thiên văn học đã khám phá ra bảy nhóm thiên hà lùn khác nhau có cùng điều kiện để cuối cùng sẽ sáp nhập lại tạo thành những thiên hà lớn hơn, trong đó có những thiên hà xoắn như Milky Way. Khám phá này cung cấp bằng chứng thuyết phục về việc những thiên hà lớn mà chúng ta thấy trong vũ trụ ngày nay đã được hình thành khi các thiên hà nhỏ hơn sáp nhập hàng tỷ năm trước.
"Chúng tôi biết rằng để có một thiên hà lớn, vũ trụ đã phải gắn kết nhiều thiên hà nhỏ lại với nhau," cho biết của Sabrina Stierwalt - nhà thiên văn học ở Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia (Mỹ) (NRAO) và Đại học Virginia ở Charlottesville. "Lần đầu tiên, chúng tôi đã tìm thấy những ví dụ về những bước đầu tiên của quá trình này - toàn bộ lượng lớn thiên hà lùn gắn kết với nhau trong cùng khu vực lân cận chung."
Stierwalt và nhóm của bà đã bắt đầu tìm kiếm bằng cách nghiên cứu dữ liệu của SDSS và tập trung tìm những cặp thiên hà lùn tương tác với nhau. Các nhà thiên văn học sau đó kiểm tra các hình ảnh để tìm những cặp đặc biệt vốn là một phần của một tập hợp lớn hơn gồm nhiều thiên hà tương tự.
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu sử dụng kính thiên văn Magellan ở Chile, Đài quan sát Apache Point ở New Mexico và kính thiên văn Gemini ở Hawaii để xác nhận các cụm được quan sát này không phải chỉ là có cùng hướng nhìn khi quan sát từ Trái Đất mà chúng còn có cùng khoảng cách, có nghĩa là chúng thực sự liên kết hấp dẫn với nhau.
"Chúng tôi hi vọng rằng khám phá này sẽ mở ra những nghiên cứu tương lai về các nhóm thiên hà lùn và mang tới những cái nhìn mới vào sự hình thành của các thiên hà như Milky Way," Stierwalt kết luận.
Bryan
Theo Science Daily