Mặt Trăng và câu hỏi về cách mà nó đã hình thành từ lâu đã là nơi bắt nguồn của rất nhiều thắc mắc và cả những say mê. Một nhóm các nhà nghiên cứu Israel mới đây đã gợi ý rằng Mặt Trăng mà chúng ta thấy mỗi đêm không phải là "mặt trăng" đầu tiên của Trái Đất, mà nó là vệ tinh cuối cùng trong một chuỗi vệ tinh chuyển động quanh Trái Đất trong quá khứ.

 

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Viện công nghệ Technion-Israel và Viện khoa học Weizmann, đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience (Địa khoa học tự nhiên).

Lý thuyết mới được đề xuất bởi Giáo sư Hagai Perets ở Technion với tác giả chính là Giáo sư Raluca Rufo ở viện Weizmann cùng Oded Aharonson cũng là Weizmann. Mô hình này đi ngược lại với ý tưởng trước đây cho rằng Mặt Trăng là thiên thể duy nhất hình thành do một va chạm duy nhất giữa Trái Đất và một hành tinh cỡ Sao Hoả.

"Mô hình của chúng tôi gợi ý rằng Trái Đất cổ đại đã từng có rất nhiều vệ tinh, mỗi vệ tinh được tạo thành từ một vụ va chạm riêng biệt trong thời kỳ tiền Trái Đất," Perets nói. "Rất có thể những thiên thể này sau đó bị đẩy ra xa hoặc va chạm với Trái Đất hay va chạm lẫn nhau để tạo thành những vệ tinh lớn hơn."

Để kiểm tra những điều kiện hình thành của các vệ tinh nhỏ này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện 800 mô phỏng trên máy tính các cuộc va chạm của các thiên thể với Trái Đất.

Mô hình mới phù hợp với những hiểu biết của khoa học hiện đại về sự hình thành của Trái Đất. Trong những giai đoạn cuối cùng của sự hình thành và lớn lên, Trái Đất đã trải qua nhiều va chạm lớn với các thiên thể khác. Mỗi va chạm đó lại đóng góp thêm nhiều vật chất vào tiền Trái Đất cho tới khi nó có được kích thước như ngày nay.

"Chúng tôi tin rằng Trái Đất có nhiều vệ tinh trước," Perets bổ sung, "một vệ tinh được hình thành từ trước có thể đã tồn tại khi một va chạm lớn khác xảy ra."

Lực thuỷ triều từ Trái Đất có thể khiến cho các vệ tinh của nó bị đẩy dần ra phía ngoài (Mặt Trăng hiện tại mà chúng ta có đang di chuyển rất chậm ra xa Trái Đất, khoảng 1cm mỗi năm). Một vệ tinh tồn tại trước đó sẽ di chuyển chậm ra phía ngoài trong khi những vệ tinh khác hình thành. Tuy nhiên, hấp dẫn lẫn nhau của chúng khiến các vệ tinh này tác động lẫn nhau và khiến chúng bị thay đổi quỹ đạo.

"Rất có thể các vệ tinh nhỏ này có quỹ đạo cắt nhau, khiến chúng ta chạm và sáp nhập," tác giả chính của nghiên cứu là Giáo sư Rufo cho biết. "Một chuỗi va chạm kéo dài giữa các vệ tinh có thể cuối cùng đã tạo thành một vệ tinh lớn hơn - đó là Mặt Trăng mà chúng ta thấy ngày nay."

Bryan
Theo Science Daily