Ngày 31 tháng 12 năm 2016, một "giây nhuận" sẽ được thêm vào các đồng hồ trên khắp thế giới vào thời điểm 23 giờ 59 phút 59 giây theo giờ UTC, tương đương với 6 giờ 59 phút 59 giây sáng mùng 1 tháng 1 năm 2017 theo giờ Việt Nam. Việc này được thực hiện bởi Cơ quan chuyên trách đồng hồ thuộc Đài quan sát Hải quân Hoa Kỳ (USNO) đặt tại Washington DC.
Về mặt lịch sử, thời gian được tính dựa trên sự tự quay của Trái Đất so với các thiên thể và một giây được định nghĩa theo hệ qui chiếu này. Tuy nhiên, việc phát minh ra đồng hồ nguyên tử đã đưa lại định nghĩa chính xác hơn và do đó giây ngày nay độc lập với sự quay của Trái Đất.
Năm 1970, một công bố quốc tế đã được đưa ra về mối liên quan giữa giờ UTC (giờ chuẩn quốc tế) và giờUT1 (được đo dựa trên góc quay của Trái Đất trong không gian).
IERS (International Earth Rotation and Reference Systems Service) là một tổ chức có nhiệm vụ theo dõi sự khác nhau giữa hai thang tính thời gian và sẽ thêm vào hoặc loại bớt một giây nhuận ra khỏi giờ UTC khi cần thiết để giữ cho hai hệ thống này luôn lệch nhau không quá 0,9 giây. Để xây dựng hệ thống giờ UTC, ban đầu một hệ thống khác được tạo ra là TAI (giờ nguyên tử quốc tế), nó khác UTC ở chỗ nó không có giây nhuận mà chỉ dựa vào đồng hồ nguyên tử. Khi hệ thống này được xác lập năm 1972, sai khác giữa TAI và UTC là 10 giây (sai khác 10 giây này do hệ thống được tính mốc từ năm 1958). Từ năm 1972 tới nay, đã có tất cả 26 giây nhuận được thêm vào sau những khoảng thời gian khác nhau từ 6 tháng đến 7 năm, gần đây nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2015. Vào ngày cuối cùng của tháng 12 này (tức ngày đầu tiên năm 2017 đối với người Việt Nam), thêm một giây nhuận được thêm vào sẽ khiến tổng độ lệch của TAI và UTC là 37 giây.
Có một quan niệm sai lầm thường xuất hiện là với tốc độ đưa thêm vào các giây nhuận như vậy thì có nghĩa là Trái Đất đang quay chậm lại và có thể nó sẽ ngừng quay sau vài thiên niên kỷ nữa. Trên thực tế điều này là không đúng. Giây nhuận chỉ nói lên rằng có sự sai khác giữa hai hệ thống tính thời gian.
Quyết định thêm giây nhuận vào UTC được xác định bởi IERS với sự tham gia của USNO. Các phép đo cho thấy rằng Trái Đất có tốc độ quay trung bình chậm hơn so với thời gian nguyên tử, khoảng 1,5 đến 2 mili-giây mỗi ngày. Dữ liệu này thu được từ các phép đo của USNO sử dụng công nghệ giao thoa dài (VLBI). VLBI đo sự quay của Trái Đất bằng cách quan sát vị trí biểu kiến của các vật thể rất xa ở gần rìa của vùng vũ trụ quan sát được. Những quan sát này cho thấy sau khoảng từ 500 đến 750 ngày, sai khác giữa sự quay của Trái Đất và thời gian nguyên tử sẽ là khoảng một giây.
Giây nhuận được đưa vào bởi lý do như nêu trên, để hai hệ thống thời gian gần trùng nhau hơn. Chúng ta có thể dễ dàng chỉnh thời gian của đồng hồ nguyên tử, nhưng không thể thay đổi tốc độ quay của Trái Đất để ép nó trùng với đồng hồ nguyên tử.
Bryan
Theo Science Daily