Mặc dù không có các mùa trong vũ trụ, hình ảnh này gợi lên những phong cảnh mùa đông băng giá. Trên thực tế, thứ bạn thấy ở đây là NGC 6357, nơi mà bức xạ từ các sao trẻ và nóng làm cho khí lạnh hơn quanh chúng phát sáng.
Hình ảnh này được tổng hợp từ nhiều bước sóng gồm tia X từ Đài quan sát Chandra X-ray của NASA và kính thiên văn ROSAT (phần màu tím), dữ liệu hồng ngoại từ kính thiên văn không gian Spitzer của NASA (màu cam) và dữ liệu biểu kiến từ khảo sát SuperCosmos do kính thiên văn hồng ngoại của Anh thực hiện (màu xanh).
Nằm ở khoảng cách 5.500 năm ánh sáng trong thiên hà của chúng ta, NGC 6357 thực chất là một "cụm của các cụm", nó chứa ít nhất ba cụm sao trẻ, trong đó có nhiều sao nóng, nặng và sáng.
Dữ liệu tia X từ Chandra và ROSAT hé lộ hàng trăm nguồn sáng là các sao trẻ trong cụm cũng như tia X phát xạ từ khí nóng. Có những cấu trúc dạng bong bóng, hay dạng lỗ, được tạo ra bởi bức xạ và vật chất bị đẩy ra ngoài từ bề mặt của các sao nặng và cả các vụ nổ supernova.
Các nhà thiên văn học gọi NGC 6357 và các đối tượng tương tự là các vùng HII (H-2). Một vùng HII được tạo thành khi bức xạ từ các sao trẻ và nóng đẩy bật các electron khỏi các nguyên từ hydro trung hoà trong khí xung quanh để tạo thành những đám mây hydro đã bị ion hoá.
Các nhà nghiên cứu sử dụng Chandra để nghiên cứu NGC 6357 và các đối tượng tương tự vì các sao trẻ phát nhiều bức xạ ở dải tia X. Đồng thời, tia X có thể đi xuyên qua lớp khí và bụi dày bao quanh những ngôi sao trẻ này, cho phép các nhà thiên văn học nhìn rõ chi tiết sự ra đời của sao vốn không thấy được theo cách khác.
Tuấn Phong
Theo Space Daily