Hiệp hội thiên văn học quốc tế (IAU) có lẽ đã từng khuấy động cộng đồng thiên văn và thậm chí làm phiền lòng nhiều người yêu thích bầu trời khi hạ cấp Pluto từ một hành tinh xuống thành hành tinh lùn cách đây 10 năm. Giờ đây, họ vừa tạo ra một thay đổi nữa như vậy.

 

Tạm biệt Alpha Centauri. Xin chào, Rigil Kentaurus.

Quyết định này đã được công bố hôm 24 tháng 11. IAU đã tiến hành xác định tên gọi chính thức cho 227 sao đã được biết. Trong số đó có những sao được giữ nguyên tên gọi chính thức trước đây như Vaga, Mizar hay Aldebaran, ... Còn Alpha Centauri được lấy lại cái tên cũ của nó.

Trên thực tế, Rigil Kentaurus vốn là tên gọi cổ xưa, có nghĩa là cái chân của Nhân Mã, xuất phát từ phiên âm ban đầu từ tiếng A-rập lag Rijl Qanṭūris. Nó không hề là cái tên mới mẻ và thậm chí nhiều người, trong số đó có cả các giáo viên dạy thiên văn ở các trường học hay các nhà thiên văn nghiệp dư có thể cho rằng cái này chẳng có gì mới khi mà họ đều đã biết từ lâu cái tên Rigil Kentaurus này. Cái đáng nói ở đây là hai cái tên tuy đều được biết tới, nhưng trong các tài liệu, bài báo khoa học và các danh mục chính thức thì mỗi ngôi sao chỉ có một tên được dùng thống nhất, đó là tên do IAU qui định. Như vậy có nghĩa là ở những nơi trước đây bạn đã đọc thấy Alpha Centauri thì ngày nay đều được sửa thành Rigil Kentaurus.

Để cho rõ ràng và không gây nhầm lần, Rigil Kentaurus là hệ gồm hai sao đồng hành chuyển động quanh nhau, nay gọi là Rigil Kentaurus a và b. Thực tế hệ đó có một sao mờ khác chuyển động quanh cặp sao vừa nêu, vẫn được biết tới là sao gần Hệ Mặt Trời nhất với tên là Proxima Centauri. Ngôi sao này không được qui ước lại mà vẫn tên là Proxima Centauri, mặc dù nó là đồng hành của Rigil Kentaurus a và b.

Cuối cùng, đây hoàn toàn là vấn đề qui ước, không hơn. Nếu bạn không phải một nhà thiên văn hay một tác giả viết sách phổ biến kiến thức thì bạn có thể cứ gọi hệ sao này với tên cũ là Alpha Centauri nếu muốn. Dù bạn gọi nó ra sao, nó vẫn là hai sao nằm trên dãy chính của biểu đồ quang phổ, với đầy đủ tính chất vật lý như chúng ta vẫn biết.

Bryan
Tham khảo: Astronomy