Các nhà thiên văn học ở Arizona đã quan sát được tiểu hành tinh gần Trái Đất nhỏ nhất từng được biết tới. Nó có đường kính chỉ khoảng 2 mét, nhỏ hơn hầu hết những chiếc ô tô bạn có thể bắt gặp trên đường.
Tiểu hành tinh này được kí hiệu là 2015 TC25, có thể phản xạ 60% ánh sáng chiếu vào nó, khiến cho nó không chỉ là tiểu hành tinh nhỏ nhất, mà còn là tiểu hành tinh sáng nhất gần Trái Đất.
2015 TC25 đã được phát hiện vào tháng 10 năm ngoái bởi một nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư Vishnu Reddy ở phòng thí nghiệm Mặt Trăng và hành tinh thuộc đại học Arizona, với việc sử dụng đài quan sát Lowell và các kính thiên văn mặt đất Đại học Bắc Arizona.
Nhóm nghiên cứu quan sát tiểu hành tinh này bằng kính thiên văn Discovery Channel 4,3 mét của đài quan sát Lowell, Cơ sở kính thiên văn hồng ngoại của NASA và kính thiên văn 2,4 mét của Đài quan sát Magdalena Ridge. Với dữ liệu thu được, họ xác nhận rằng tiểu hành tinh này có hình dạng không cụ thể và tự quay với chu kỳ 2,23 phút.
Reddy cho biết những quan sát mới cho thấy bề mặt thiên thể này tương tự với các aubrite - các thiên thạch có độ phản chiếu cao với thành phần nhiều kim loại sáng. Aubrite thường hình thành trong môi trường oxy tự do ở nhiệt độ rất cao và chúng là cực hiếm - khoảng 1000 thiên thạch được tìm thấy mới có một aubrite.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi có dữ liệu ở cả dải sóng biểu kiến, hồng ngoại và vô tuyến về một tiểu hành tinh nhỏ như vậy, mà về bản chất thì nó chỉ là một thiên thạch," Reddy nói trong một thông cáo báo chí. "Bạn có thể coi nó như một thiên thạch trôi nổi trong không gian mà còn chưa lao vào khí quyển và chạm tới mặt đất của chúng ta."
Reddy tin rằng 2015 TC25 trên thực tế là một phần tách ra từ tiểu hành tinh 44 Nysa, do tác động từ một thiên thể khác.
Stephen Tegler, đồng tác giả của nghiên cứu, hiện đang là giáo sư khoa Vật lý và Thiên văn học Đại học Bắc Arizona cho biết trong thông cáo rằng việc nghiên cứu các tiểu hành tinh gần Trái Đất là rất quan trọng bởi những đe doạ mà chúng đăt ra cho chúng ta.
L.C
Theo Astronomy