Sự tạo thành hành tinh là cái không dành cho những người yếu tim. Dựng nên một hành tinh từ vô số các hạt bụi và khí là một quá trình va chạm dữ dội và đầy bạo lực, trong đó các hạt liên tục lao vào nhau, nóng chảy và tạo thành khối đá ngày một lớn hơn. Trái Đất của chúng ta là một thế giới với kích thước vừa phải khi nó tham gia vào một cú va chạm cuối cùng với một hành tinh cỡ Sao Hoả ngay sau khi các hành tinh được tạo thành.

Chúng ta từng cho rằng thiên thể được gọi là Theia này đã va chạm ở phần rìa với Trái Đất và làm bóc ra một lớp vật chất nóng chảy văng vào không gian. Phần vật chất này sau đó kết hợp lại tạo thành một thiên thể được giữ lại bởi lực hấp dẫn của Trái Đất, và đó là Mặt Trăng của chúng ta.

Nhưng câu chuyện đó không còn đúng với những phân tích địa hoá học ngày nay.

Các nhà du hành của dự án Apollo đã mang về trong những chuyến đi của mình khoảng 382 kg (842 pound) đá, sỏi và bụi từ Mặt Trăng. Các nhà khoa học đã cẩn thận phân tích các mẫu này để dựng nên một bức tranh về hàng xóm gần nhất của chúng ta. Trong quá trình phân tích gần đây với những thiết bị có độ chính xác cao, họ đã tìm ra một điều rất đáng chú ý.

Đá Mặt Trăng rất giống với đá trên Trái Đất. Chúng giống nhau đến mức chúng chắc phải có cùng một nguồn hốc, và cùng một quá khứ. Nhưng các đá Mặt Trăng này có một thành phần nhỏ của một đồng vị đặc biệt là Kali-38, nghĩa là quá khứ của chúng không hoàn toàn giống hệt nhau.

Các nhà nghiên cứu Kun Wang và Stein B. Jacobsen đã phát triển một giả thuyết mới về sự tạo thành của Mặt Trăng để giải thích sự xuất hiện của kali-38. Nghiên cứu của họ vừa qua đã được công bố trên Nature Geoscience.

Thay vì một cú va chạm vát qua, nếu Theia đã lao trực diện vào Trái Đất thì sao? Trong lý thuyết này, va chạm quá mạnh đã phá huỷ Theia hoàn toàn, và bóc đi các lớp ngoài của Trái Đất. Các mảnh vỡ nóng chảy bị ném vào không gian tạo thành một đĩa đặc và nóng bao quanh hành tinh của chúng ta.

Hình ảnh mô phỏng vụ va chạm của hành tinh Theia với Trái Đất, hơn 4 tỷ năm trước


Chiếc vành nóng này giống với địa ngục mà chúng ta thấy ở Sao Kim nhiều hơn là những cấu trúc tinh tế của các vành Sao Thổ. Nó đủ nóng để làm bay hơi đá, với áp suất khí quyển cao gấp 10 lần mực nước biển. Những mảnh lớn nhất trong đĩa này tập hợp lại với nhau tạo thiên thể lớn dần và rồi trở thành Mặt Trăng ngày nay. Nguyên tố nhẹ như Kali ở lại trên bề mặt của Mặt Trăng trong khi các nguyên tố nặng hơn rơi vào Trái Đất.

Đó là một câu chuyện thật hoang dã và đáng sợ về cách mà chúng ta đã có Mặt Trăng của mình. Nhưng nó chính là câu chuyện hợp lý nhất.

Bryan
Theo Astronomy