Cách tính âm lịch ngày nay ở Việt Nam ta dựa trên cơ sở nào và về mặt sử dụng đã thực sự phù hợp và logic hay chưa? Dưới đây là một số ý kiến cá nhân của tác giả Đặng Trần Hiệp. Xin giới thiệu quí độc giả đọc tham khảo và phản biện.

 

 

 

 

Đôi điều về cách tính Âm Lịch ở Việt Nam hiện nay



Có lẽ không người Việt nam nào lại không biết một ngày Âm lịch ( ngày Âm) gồm 12 giờ là Tý. Sửu, Dần , Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu,Tuất , Hợi. Ngày Âm lịch bắt đầu từ giờ Tý và kết thúc ở giờ Hợi. Đối chiếu với Dương lịch thì có sự tương ứng như sau:

Tý: 23h - 1 h
Sửu: 1h - 3 h
Dần: 3h - 5h
Mão: 5h - 7h
Thìn: 7h - 9h
Tị: 9h - 11h
Ngọ: 11h - 13 h
Mùi: 13h- 15h
Thân: 15h- 17h
Dậu: 17h - 19h
Tuất: 19h - 21h
Hợi: 21h-23h


Như vậy:
- Độ dài của 1 ngày Âm bằng 1 ngày Dương bằng 24 h Dương
- Độ dài của 1 giờ Âm bằng 2 giờ Dương.
- Sự khởi đầu của ngày Âm sớm hơn sự khởi đầu của ngày Dương là 1 giờ dương lịch. Cụ thể là: Ngày Âm bắt đầu từ 23 h hôm trước đến 23 h hôm sau, còn ngày Dương bắt đầu từ 0 h đến 24 giờ.

Hiện nay, nhiều người cho rằng 1 giờ Âm chia làm 2 phần:  giờ Sơ và giờ Chính. Ví dụ: giờ Tý Sơ là từ 23h đến 24h; Giờ Tý Chính là từ 0 h đến 1 h.

Theo tôi, gọi như vậy không chính xác. Sơ là thời điểm bắt đầu của 1 giờ, còn Chính là thời điểm chính giữa giờ đó.

Ví dụ: Sơ Tý là thời điểm 23 h chứ không phải là từ 23h đến 24h. Chính Tý là thời điểm 0 giờ chứ không phải là là từ 0 h đến 1 h. Tương tự, Sơ Ngọ là 11h , còn Chính Ngọ là 12h, chứ không ai nói Chính Ngọ là từ 12 h đến 13 h.

Ngày kết thúc 1 tháng Âm là ngày Nguyệt tận là ngày mà Mặt Trăng nằm trong khu vực giữa Mặt Trời và Trái Đất (nhưng không thẳng hàng). Khi đó nhìn từ Trái Đất lên Mặt Trăng không thấy ánh sáng vì chỉ thấy phần không được chiếu sáng của nó. Còn ngày khởi đầu của tháng Âm là ngày Sóc, đó là ngày sau ngày nguyệt tận, Mặt Trăng mới hé một chút vành sáng. Thời điểm hé 1 chút vành sáng ấy vào ngày nào thì ngày ấy gọi là ngày Sóc tức là ngày Mùng Một của tháng mới.

Độ dài của 1 tháng Âm không cố định mà khoảng 29 -30 ngày, phụ thuộc vào ngày Sóc rơi vào thời điểm nào cho đúng với qui ước nêu trên.

Một điều nữa xin được trao đổi trong bài viết này, đó là hiện nay, cách tính Âm Lịch của nước ta lại không lấy ngày khởi đầu của 1 ngày Âm là Sơ Tý ( 23h ) mà là lấy lúc 0 h ( Chính Tý ) làm khởi đầu của 1 ngày Âm. Như vậy 1 ngày Âm lịch không còn là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi nữa mà là từ Chính Tý ngày hôm trước đến Chính Tý ngày hôm sau.

Ví dụ: 3 ngày Âm lịch liên tiếp nhau là Kỷ Sửu, Canh Dần,Tân Mão.
Ngày Âm lịch nếu bắt đầu từ 0 giờ đến 24 giờ thì sẽ xảy ra như sau:
Ngày Canh Dần mới sẽ gồm nửa Giờ Tý sau ( từ thời điểm Tý Chính đến thời điểm Sửu Sơ), Sửu, Dần Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu Tuất, Hợi và nửa Giờ Tý trước của Ngày Tân Mão ( thời điểm từ Tý Sơ đến Tý Chính của ngày Tân Mão).



Ban Lịch Nhà Nước khi quyết định lấy Giờ Chính Tý làm khởi đầu của một ngày thì theo tôi được biết chỉ giải thích là theo quyết định của Chính Phủ về giờ chính thức của Việt Nam là 0h. Quyết định của Chính Phủ chỉ là áp dụng đối với Dương lịch là Lịch chính thức của nước ta. Cách tính Dương lịch hoàn toàn khác với cách tính Âm lịch. Sự thay đổi một tiền đề trong số các tiền đề của cách tính Âm lịch sẽ kéo theo sự thay đổi toàn bộ phương pháp tính lịch, nhưng toàn bộ hệ thống cách tính đã không được xem xét lại, theo tôi đó là việc “ râu ông nọ cắm cằm bà kia”.  Với cách tính ngày Âm bắt đầu từ giờ Chính Tý thì nửa đầu giờ Tý được tính là của ngày hôm trước. Như ví dụ trên, Nửa đầu giờ Tý của ngày Canh Dần nay không thuộc ngày Canh Dần nữa mà thuộc ngày Kỷ Sửu theo cách tính hiện hành này.

Việc thay đổi này còn liên quan đến việc tính ngày Sóc để xác định ngày đầu của tháng mới. Ví dụ: Điểm Sóc ngày 17 tháng 2 năm 2007 Dương lịch  rơi vào 16 giờ 14 phút giờ GMT ( giờ Quốc tế) thì ở Việt Nam, điểm Sóc rơi vào 23 giờ 14 phút. Lúc này xảy ra 2 trường hợp:

- Coi ngày Âm bắt đầu từ giờ Tý thì lúc điểm Sóc rơi vào 23 giờ 14’ lúc đó là giờ Tý của ngày Quý Mùi . Ngày Sóc là ngày Quý Mùi, đối chiếu với Dương lịch là ngày 18 tháng 2 năm 2007. Đáng lẽ ngày này phải là ngày mùng một Tết

- Coi ngày Âm bắt đầu từ Chính Tý thì điểm Sóc rơi vào Nửa đầu giờ Tý của ngày Quý Mùi nhưng theo cách tính mà Ban Lịch Nhà Nước ban hành thì nửa đầu giờ Tý của ngày Quý Mùi lại thuộc ngày hôm trước là ngày Nhâm Ngọ nên điểm Sóc này thuộc ngày Nhâm Ngọ. Đối chiếu với  Dương lịch là ngày 17 – 2- 2007 nên đã lấy ngày 17/2/2007 là mùng một Tết.
Sự thay đổi này còn dẫn đến việc xác định sai các tiết khí trong năm, dẫn đến việc xác định sai cách tính nhuận nữa. Tuy nhiên việc giải thích chi tiết sẽ khá dài và phức tạp nên tôi xin được tạm dừng tại đây.

Qua phân tích trên, tôi đề xuất khi tính Âm Lịch Việt Nam phải lấy đầu giờ Tý làm khởi đầu cho ngày Âm Lịch ( đối chiếu với Dương lịch là 23h). Hi vọng Ban lịch Nhà nước và cơ quan có liên quan sẽ sớm xem xét lại vấn đề này.

Đặng Trần Hiệp
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.