Hai nhà thiên văn học với sự hỗ trợ của Twitter đã tìm ra bằng chứng mạnh nhất từng có về một cấu trúc khổng lồ dạng chữ X tạo thành bởi các sao trong khu vực chỗ phình trung tâm của thiên hà chúng ta - Milky Way.

 

Các mô hình máy tính và quan sát trước đây về các thiên hà khác cũng như quan sát chính thiên hà của chúng ta đã gợi ý rằng cấu trúc dạng X có tồn tại. Nhưng không quan sát nào ghi nhận được trực tiếp và các nhà thiên văn học cho rằng nghiên cứu trước đây cho thấy sự tồn tại gián tiếp của cấu trúc dạng X này có thể được giải thích theo những cách khác.

"Đã có tranh cãi về việc cấu trúc dạng X có tồn tại hay không," Dustin Lang tại Viện thiên văn học và vật lý thiên văn Dunlap thuộc Đại học Toronto, đồng tác giả của bài báo đã được công bố cho biết. "Nhưng bài báo của chúng tôi đưa ra một cái nhìn rõ về trung tâm của thiên hà chúng ta. Tôi nghĩ nó mang lại bằng chứng tốt cho sự tồn tại của cấu trúc dạng X."

Kết quả nghiên cứu được công bố trên ấn phẩm tháng 7 của Astronomical Journal. Tác giả chính là Melissa Ness, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Viện thiên văn học Max Planck, Heidelberg.

Milky Way là một thiên hà xoắn dạng thanh: một tập hợp khổng lồ của khí, bụi và hàng tỷ sao có dạng đĩa với đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng. Nó có hai cánh tay xoắn lớn hướng ra từ trung tâm của thiên hà và chỗ phình có hình dạng như một chiếc hộp (hay một hạt đậu) chứa đầy sao. Cấu trúc dạng X là một phần thuộc chỗ phình trung tâm.

Các nhà thiên văn học cho rằng chỗ phình có thể được tạo thành theo hai cách khác nhau. Nó có thể đã hình thành khi Milky Way sáp nhập với các thiên hà khác, hoặc nó đã hình thành không cần có ảnh hưởng từ bên ngoài, mà tự hình thành khi đĩa thiên hà đang phát triển. Khám phá của Lang và Ness hỗ trợ cho giả thuyết thứ hai như vừa nêu, mô hình này dự đoán được sự tạo thành chỗ phình dạng hộp (hay hình hạt đậu) với sự có mặt của cấu trúc X.

Cái nhìn mới và rõ nét này xuất hiện khi Lang phân tích lại dữ liệu từ trước đó của WISE (Wide-field Infrared Survey Explorer/Thiết bị thăm dò khảo sát trường rộng ở dải sóng hồng ngoại), một kính thiên văn không gian được NASA đưa lên quĩ đạo năm 2009. Trước khi kết thúc nhiệm vụ ban đầu của mình năm 2011, WISE đã khảo sát toàn bộ bầu trời ở bước sóng hồng ngoại và chụp ảnh của ba phần tư tỷ (750 triệu) thiên hà, sao và tiểu hành tinh.

"Chỗ phình là một dấu ấn quan trọng trong sự tạo thành của thiên hà Milky Way," Ness nói. "Nếu chúng ta hiểu chỗ phình, chúng ta sẽ hiểu những quá trình mấu chốt trong việc hình thành và định hình thiên hà của chúng ta."

"Hình dạng của chỗ phình cho chúng ta biết về cách nó hình thành. Chúng ta thấy chữ X và dạng hộp rõ ràng trong hình ảnh của WISE và điều này chứng minh rằng các quá trình hình thành nội tại chính là những quá trình đã tạo nên chỗ phình."

Nó cũng là bằng chứng rằng thiên hà của chúng ta đã không trải qua các cuộc sáp nhập lớn từ khi chỗ phình hình thành. Vì nếu điều đó đã xảy ra, các tương tác với các thiên hà khác đã phá vỡ hình dạng của chỗ phình.

Các phân tích của Lang ban đầu được thực hiện với mục đích hỗ trợ nghiên cứu của ông về việc lập bản đồ mạng lưới các thiên hà khác. Để hỗ trợ khám phá bản đồ phát triển từ WISE, Lang đã lập một website riêng và tweet (đưa lên twitter) một hình ảnh về toàn bộ bầu trời.

"Ness đã thấy tweet đó của tôi và lập tức nhận ra tầm quan trọng của cấu trúc dạng X," Lang nói. "Chúng tôi đã hẹn nhau trong một hội nghị khi đó sắp diễn ra mà chúng tôi cùng tham gia. Bài báo đã được ra đời từ cuộc gặp đó. Đó là sức mạnh của các khảo sát lớn và sự cởi mở trong khoa học."

Bryan
Theo Science Daily