Các hành tinh lùn đều thuộc về những tập hợp còn bí ẩn. Ngoại trừ Ceres nằm trong vành đai tiểu hành tinh chính ở giữa quĩ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc, tất cả các thành viên khác của loại thiên thể này trong Hệ Mặt Trời đều nằm ở quĩ đạo xa hơn Sao Hải Vương. Chúng cách Trái Đất rất xa, nhỏ và lạnh, khiến cho chúng rất khó được quan sát, ngay cả với những kính thiên văn lớn. Vì vậy nên hầu hết chúng mới được các nhà thiên văn phát hiện trong vài thập kỷ gần đây.
Pluto là một ví dụ điển hình. Trước khi tàu không gian New Horizons của NASA tới đó vào năm 2015 vừa qua, hành tinh lùn lớn nhất này chỉ được nhìn thấy như một đốm mờ ngay cả với kính thiên văn không gian Hubble. Với những thách thức vốn có trong việc quan sát những thế giới xa xôi này, các nhà thiên văn học thường cần kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để xác định các đặc tính cơ bản của các thiên thể này.
Gần đây, một nhóm các nhà thiên văn học đã thực hiện điều đó bằng cách kết hợp dữ liệu từ hai đài quan sát không gian và qua đó hé lộ một điều đáng ngạc nhiên: một hành tinh lùn có tên gọi là 2007 OR10 lớn hơn khá nhiều so với suy đoán trước đây.
Kết quả nghiên cứu này đã khiến 2007 OR10 trở thành thiên thể lớn nhất chưa được đặt tên trong Hệ Mặt Trời (tên gọi chính thức như Pluto, Ceres, ...; 2007 OR10 chỉ mang tính kí hiệu), đồng thời là thiên thể lớn thứ ba trong số các hành tinh lùn đã được xác định. Nghiên cứu cũng tìm ra rằng thiên thể này khá tối và quay chậm hơn hầu hết các thiên thể chuyển động trên quĩ đạo quanh Mặt Trời, chu kỳ ngày của nó là gần 45 giờ.
Quan sát mới cho thấy 2007 OR10 có đường kính khoảng 1.535 km, lớn hơn một chút so với hành tinh lùn Makemake và nhỏ hơn khoảng 1/3 so với Pluto. Một hành tinh lùn khác là Haumea có hình dạng thuôn dài thay vì cầu, có thục dài lớn hơn 2007 OR10 nhưng trục còn lại ngắn hơn và tổng thể tích nhỏ hơn.
Theo nghiên cứu này, đường kính của 2007 OR10 lớn hơn khoảng 250km so với ước tính trước đây. Kích thước lớn hơn đồng thời dẫn tới hấp dẫn mạnh hơn và bề mặt rất tối vì cùng một lượng ánh sáng phản xạ trên bề mặt lớn hơn. Tính chất tối này khác biệt so với hầu hết các hành tinh lùn sáng hơn. Các đài quan sát mặt đất trước đây xác định 2007 OR10 có màu đỏ, các nhà nghiên cứu khác đã gợi ý rằng điều đó costheer do methane dưới dạng băng trên bề mặt của thiên thể.
Các thiên thể có kích thước cỡ Pluto đều có tên gọi liên quan đến tính chất của chúng. Nhưng trước đây những gì mà các nhà thiên văn biết về 2007 OR10 còn quá ít. Việc xác định chính xác hơn các đặc tính này có thể tiến tới việc nó sớm được đặt tên, và vinh dự đó sẽ thuộc về những người đã khám pha ra nó vào năm 2007 gồm Meg Schwamb, Mike Brown và David Rabinowitz.
Bryan
Theo Space Daily