Một nhóm các nhà vật lý thiên văn từ nhiều quốc gia, trong đó có giáo sư Phil Charles ở đại học Southampton, đã phát hiện một cơn gió dữ dội từ một trong những lỗ đen gần Trái Đất nhất từng được biết tới.

 

Trong khi quan sát V404 Cygni (một hệ kép gồm một lỗ đen và một sao đồng hành có vị trí thuộc chòm sao Cygnus) khi nó đã trải qua một vụ bùng phát lớn hồi tháng 6 năm 2015 sau 25 năm yên lặng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các phép đo quang học đối với đĩa bồi tụ quanh lỗ đen bằng kính thiên văn 10,4m GTC (Gran Telescopio CANARIAS) - kính thiên văn quang học-hồng ngoại lớn nhất thế giới đặt tại đài quan sát Roque de los Muchachos (Garafía, La Palma) trên quần đảo Canary.

Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature cho thấy sự có mặt của một luồng gió gồm vật chất trung hoà (hydro và heli không bị ion hoá) được tạo thành từ các lớp ngoài của đĩa bồi tụ. Đây là lần đầu tiên loại gió này được phát hiện trong một hệ dạng này. Nó có vận tốc rất cao (3.000km/s), do đó nó có thể thoát ra khỏi trường hấp dẫn quanh lỗ đen. (chú thích của dịch giả: vật chất lớp ngoài còn rất xa chân trời sự kiện của lỗ đen, nếu vật chất đi qua chân trời sự kiện thì không vận tốc nào có thể thoát ra).

Giáo sư Charles nói: "Sự có mặt của nó cho phép chúng tôi giải thích tại sao vụ bùng nổ rất mạnh mẽ này đã diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ có 2 tuần."

Vào lúc kết thúc của vụ bùng nổ này, các quan sát của GTC hé lộ sự có mặt của một tinh vân tạo thành từ vật chất bị đẩy ra ngoài bởi gió. Hiện tượng này lần đầu tiên được quan sát thấy ở một lỗ đen, cũng cho phép các nhà khoa học ước tính lượng vật chất được ném ra môi trường liên sao.

Teo Muñoz Darias, nhà nghiên cứu ở Viện vật lý thiên văn Canary (IAC) đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Độ sáng của nguồn và độ rộng của vùng được quan sát bởi GTC cho phép chúng tôi không chỉ phát hiện cơn gió mà còn đo được sự thay đổi các thuộc tính của nó theo từng phút. Dữ liệu đã thu được là dữ liệu tốt nhất từng có về loại đối tượng này... Vụ bùng nổ của V404 Cygni với sự phức tạp cũng như số lượng và chất lượng các quan sát, sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm về cách mà các lỗ đen nuốt vật chất qua đĩa bồi tụ của chúng."

V404 Cygni là một lỗ đen với một sao đồng hành trong chòm sao Cygnus. Ở những hệ như vậy (chưa tới 50 hệ như thế đã được biết tới), một lỗ đen có khối lượng khoảng 10 lần Mặt Trời nuốt vật chất từ sao đồng hành rất gần. Trong quá trình vật chất rơi vào lỗ đen và tạo ra đĩa bồi tụ, khu vực phía trong nóng hơn phát xạ ra tia X trong khi các lớp ngoài có thể quan sát ở dải sóng biểu kiến - một phần trong dải quan sát của GTC.

V404 Cygni cách chúng ta chỉ 8.000 năm ánh sáng, nó là một trong những lỗ đen gần Trái Đất nhất đã được biết tới với đĩa bồi tụ đặc biệt lớn (bán kính khoảng 10 triệu km). Điều này khiến cho vụ bùng nổ của nó có thể được quan sát ở mọi bước sóng.

L.C
Theo Science Daily