Một nhóm các nhà thiên văn học của Chile đã xác định được hai ngoại hành tinh mới – hai "Sao Mộc nóng”, qua các dữ liệu thu được từ kính thiên văn không gian Kepler của NASA. Các nhà nghiên cứu đã mô tả phát hiện của họ về EPIC210957318b và EPIC212110888b trong một nghiên cứu mới được công bố vào tuần trước.

 

Các Sao Mộc nóng là các ngoại hành tinh có kích thước và thành phần gần giống với hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời của chúng ta. Nhưng hoàn toàn giống Sao Mộc của chúng ta với quĩ đạo quanh Mặt Trời với khoảng cách trung bình khoảng 483 triệu dặm, các Sao Mộc nóng ở rất gần so với sao mẹ của chúng – do đó, chúng rất nóng.

Trong khi Sao Mộc hoàn thành một chu kỳ quĩ đạo của nó quanh Mặt Trời mất 11,86 năm, các Sao Mộc nóng hoàn thành chu kỳ của nó quanh sao mẹ không tới 10 ngày.

Nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi Rafael Brahm của Đại học Công giáo, Chile, đã nghiên cứu các dấu hiệu của hai ngoại hành tinh khi chúng di chuyển theo chu kỳ qua phía trước các sao mẹ. Cứ 3 đến 4 ngày, các sao mẹ này lại bị cản một phần ánh sáng khi hành tinh lướt qua.

Các đặc tính của sự lướt qua biểu hiện qua bóng của hành tinh gồm độ dày, hình dạng và khoảng thời gian hành tinh lướt qua, cho thấy chúng là “ứng viên sáng giá cho hành tinh dạng Sao Mộc”, các nhà nghiên cứu cho biết.

EPIC210957318b là ngoại hành tinh nhỏ hơn, nó có kích thước trong khoảng kích thước của Sao Thổ và Sao Mộc – khoảng 0,65 lần khối lượng Sao Mộc. Sao mẹ của nó tương tự Mặt Trời, nằm cách chúng ta 970 năm ánh sáng. EPIC210957318b mất 4,1 ngày để hoàn thành quĩ đạo quanh sao mẹ này.

EPIC212110888b là ngoại hành tinh lớn hơn và nóng hơn, có khối lượng bằng 1.63 lần khối lượng Sao Mộc, với nhiệt độ bề mặt trung bình khoảng 932 tới 1.430 độ C. Sao mẹ của nó lớn hơn Mặt Trời, và cách chúng ta 1.270 năm ánh sáng.

Cả hai Sao Mộc nóng đều có mật độ thấp hơn Sao Mộc của chúng ta, khiến chúng trở thành những ứng cử viên lí tưởng cho các nghiên cứu tiếp theo, nhằm khám phá chi tiết về bầu khí quyển của chúng.

L.C
Theo Space Daily