Sự sống ở các hành tinh khác có lẽ rất đơn giản và tiến tới tuyệt chủng rất nhanh - các nhà sinh học thiên văn ở Đại học quốc gia Australia (ANU) cho biết. Trong một nghiên cứu tập trung vào việc tìm hiểu cách thức phát triển của sự sống, các nhà khoa học phát hiện ra rằng sự sống mới thường sẽ chết do sự nóng lên hoặc lạnh đi trên những hành tinh còn non trẻ.

 

"Vũ trụ có lẽ đầy các hành tinh có thể sống được, vậy nên nhiều nhà khoa học cho rằng nó phải rất đông đúc bởi những người hành tinh khác," Tiến sĩ Aditya Chopra ở trường nghiên cứu khoa học Trái Đất thuộc ANU, tác giả chính của bài báo đã đăng trên Astrobiology nói. "Sự sống sơ khai rất mong manh, nên chúng tôi tin rằng rất hiếm khi nó tiến hoá đủ nhanh để tồn tại."

"Môi trường của hầu hết các hành tinh sơ khai là không ổn định. Để tạo nên một hành tinh sống được, các dạng sống cần điều chỉnh được các khí nhà kính chẳng hạn như nước và carbon dioxide để giữ cho nhiệt độ bề mặt ổn định."

Khoảng 4 tỷ năm trước Trái Đất, Sao Kim và Sao Hoả có lẽ đều đã có thể sống được. Tuy nhiên, một tỷ năm sau khi hình thành, Sao Kim trở nên quá nóng còn Sao Hoả thì đóng băng.

Sự sống vi sinh vật sơ khai ở Sao Hoả và Sao Kim nếu như từng có đã thất bại trong việc giữ ổn định cho một môi trường thay đổi quá nhanh - Phó giáo sư Charley Lineweaver ở Viện khoa học hành tinh của ANU, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. "Sự sống trên Trái Đất có thể đã đóng vai trò chính trong việc ổn định khí hậu của hành tinh" - ông nói.

Tiến sĩ Chopra cho biết lý thuyết của họ có thể giải quyết bài toán này.

"Bí ẩn của việc tại sao chúng ta chưa tìm thấy dấu hiệu của người hành tinh khác có thể ít liên quan đến nguồn gốc của sự sống hay trí thông minh mà liên quan nhiều hơn tới độ hiếm của sự phát triển nhanh cơ chế sinh học của các chu kì phản hồi trên bề mặt hành tinh" - ông nói.

Các hành tinh đá có chứa nước, với các thành phần và nguồn năng lượng cần thiết cho sự sống dường như có ở khắp nơi, tuy nhiên, theo nhà vật lý Enrico Fermi đã nhấn mạnh năm 1950, không có dấu hiệu nào của sự sống ngoài Trái Đất đang tồn tại được phát hiện.

Một lời giải hợp lý cho nghịch lý của Fermi theo các nhà nghiên cứu cho biết ở gần những cuộc tuyệt chủng sớm, được họ gọi là Nút cổ chai Gaia.

"Một dự đoán hấp dẫn của mô hình Nút cổ chai Gaia là một lượng lớn hoá thạch trong vũ trụ sẽ đến từ sự sống vi sinh vật tuyệt chủng, không phải từ các loài đa bào như khủng long hay con người - những sinh vật đã mất hàng tỷ năm để tiến hoá", phó giáo sư Lineweaver nói.

L.C
Theo Science Daily