kepler452b

Các nhà thiên văn học sử dụng hệ thống kính ALMA (Tổ hợp kính thiên văn milimet/hạ-milimet Atacama) đã khám phá ra một thiên thể có thể là một hành tinh lớn ở rìa của Hệ Mặt Trời chúng ta. Trong khi quan sát hệ sao Alpha Centauri - hệ sao gần Trái Đất nhất, họ đã phát hiện một vật thể chuyển động nhanh lướt qua trường nhìn.


Vận tốc và độ sáng của nó cho phép các nhà thiên văn loại trừ khả năng đó là một ngôi sao. Dự vào dữ liệu bước sóng thu được nhờ ALMA, họ tin rằng nó có thể là một TNO (thiên thể có quĩ đạo xa hơn Sao Hải Vương) chuyển động quanh Mặt Trời ở khoảng cách từ 10 tỷ đến 2 triệu tỷ dặm (1 dặm ~ 1,61km). Trong khi đó, bán kính quĩ dạo của Pluto là dưới 4 tỷ dặm.

Mặc dù phát hiện này thật sự hấp dẫn, nhưng nó vẫn mang lại nhiều nghi vấn.



Một thành viên mới của Hệ Mặt Trời?

Thông thường các sao phát ra ánh sáng quá mạnh khiến các nhà thiên văn khó có thể xác định được bất cứ thiên thể nào trong khu vực lân cận của chúng, nhưng đài quan sát ALMA được thiết kế để thu các bước sóng tần số thấp., cho phép các nhà nghiên cứu thấy được các vật thể gần các sao hơn. Nhờ thế các nhà nghiên cứu mới phát hiện được một vật thể bí ẩn chuyển động trong trường nhìn của Alpha Centauri. Họ dự đoán thiên thể này có thể thuộc một trong nhiều loại như một sao lùn nâu, một siêu-Trái Đất (hành tinh lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn Sao Hải Vương), hay đơn giản là một thiên thể đóng băng nhỏ chuyển động ở quĩ đạo xa hơn Pluto.

Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện này nhưng cho đến nay họ vần còn phải đợi những xem xét và đánh giá chi tiết hơn.

Hãy chờ đã
Trong khi việc sẽ có thêm một hành tinh trong Hệ Mặt Trời của chúng ta có vẻ rất thú vị, thì thực tế khả năng thiên thể là một siêu-Trái Đất có lẽ khá nhỏ, nếu nó thực sự tồn tại. Đài quan sát ALMA chỉ có thể theo dõi một khoảng rất nhỏ của bầu trời trong mỗi thời điểm nhất định. Do vậy, các nhà nghiên cứu chỉ có thể quan sát với trường nhìn tối đa là 1 phút góc, tức là chỉ có một phần 21.600 của bầu trời. Mặt Trăng vào thời điểm tròn có góc nhìn là 30 phút khi quan sát từ Trái Đất. Điều đó có nghĩa là khả năng quan sát được một hành tinh ở trường nhìn nêu trên là khá nhỏ.

Mike Brown, một nhà thiên văn học ở Caltech (Viện công nghệ California) đã phát biểu trên Twitter: "Sự thật hài hước: Nếu đúng là ALMA đã vô tình khám phá ra một thiên thể lớn phía ngoài của Hệ Mặt Trời trong trường nhìn rất rất rất nhỏ của nó, ...thế có nghĩa là có thể có 200.000 hành tinh cỡ Trái Đất ở vùng ngoài của Hệ Mặt Trời..."

Khả năng cao hơn là rất có thể các nhà thiên văn đã nhìn thấy một trong số những thiên thể đóng băng có rất nhiều ở xa hơn quĩ đạo Pluto, trong khu vực của vành đai Kuiper hay mây Oort. Có hàng triệu thiên thể như thế với đường kính từ dưới 1 dặm cho tới 1.500 dặm.

Một nhà thiên văn khác là Phil Plait cũng đưa ra phân tích rằng với khảo sát hồng ngoại của WISE (kính thiên văn không gian hồng ngoại của NASA) thực hiện năm ngoái, mọi thiên thể ấm đều là một điểm sáng trong hình ảnh thu được. Tuy nhiên khảo sát này không hề nhận thấy bất cứ vật thể lớn nào giống như một hành tinh. Do đó thứ mà các nhà thiên văn phát hiện được qua ALMA rất nhiều khả năng chỉ là một vật thể nhỏ và lạnh chuyện động ở quĩ đạo xa hơn Pluto.

Cho tới lúc này, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục chờ đợi thêm cho tới khi có khẳng định cuối cùng về phát hiện này.

Bryan
(VACA)

Theo Astronomy