Một nhóm các nhà thiên văn bao gồm nhà nghiên cứu tại Đại học San Francisco đã khám phá ra một hành tinh mới chuyển động theo quỹ đạo quanh một cặp sao. Đây là hành tinh thứ mười thuộc dạng này đã được tìm ra bởi dự án Kepler của NASA, đánh dấu mốc 6 năm cho tàu không gian này.
Theo Stephen Kane, phó giáo sư về vật lý và thiên văn của Đại học San Fransisco, một thành viên của nhóm, hành tinh này được đặt tên là Kepler-453b, và nằm trong phạm vi nơi sự sống có thể tồn tại, hay gọi cách khác là "vùng sống được" của hai sao mẹ của nó. Ông cũng cho biết sự ngẫu nhiên trong việc tìm ra hành tinh này cho ta thấy có khả năng vẫn còn nhiều hành tinh khác như vậy.
Kane cho biết: "Nếu chúng tôi quan sát chỉ sớm hoặc muộn hơn một chút thôi, chúng tôi đã không tìm ra hành tinh này. Điều đó gợi ý rằng loại hành tinh như vậy tồn tại nhiều hơn chúng ta nghĩ, ta chỉ tìm chúng sai thời điểm mà thôi".
Các nhà nghiên cứu thường tìm ra các ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời) qua quan sát sự giảm ánh sáng của sao mẹ khi hành tinh đó lướt qua giữa sao mẹ và Trái Đất. Nhưng Kepler-453b chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn giữa hai ngôi sao, do vậy quỹ đạo của nó không đều. Điều này khiến các nhà thiên văn chỉ có thể có 9% khả năng quan sát được nó.
Nói một cách cụ thể hơn, nếu họ vẫn chưa khám phá ra nó, họ sẽ cần phải chờ đến năm 2066 để có được cơ hội khác.
Việc Kepler 453-b che mất 0.5% ánh sáng các sao mẹ của nó trong quá trình di chuyển đã cho phép các nhà nghiên cứu ước tính bán kính của nó lớn gấp 6,2 lần Trái Đất (hay 60% lớn hơn Sao Hải Vương). Kích cỡ này cho thấy đây là một hành tinh khí khổng lồ, không phải hành tinh rắn, do vậy không có sự sống mặc dù nằm trong vùng sống được.
"Nhưng nó có thể có các vệ tinh và các sinh vật có thể sống trên các vệ tinh đó", Kane cho biết.
Bất kỳ cư dân nào ở đó sẽ thấy hai mặt trời trên bầu trời của họ quay quanh nhau theo quỹ đạo 27 ngày. Ngôi sao lớn có kích cỡ khoảng 94% kích cỡ Mặt Trời của chúng ta còn ngôi sao nhỏ chỉ bằng 20% và dịu hơn rất nhiều, phát ra ít hơn 1% năng lượng ngôi sao lớn. Kepler-453b mất 240 ngày để hoàn thành quỹ đạo của nó quanh hai sao mẹ.
Kane cũng đã cho biết họ hoàn toàn không biết dạng hành tinh này có thể tồn tại cho đến khi Kepler được đưa vào hoạt động, và từ đó trở đi họ đã tìm ra ngày càng nhiều hành tinh như vậy. Hệ "hai sao" đầu tiên này đã được Kepler phát hiện ra vào 2011.
Năm 2014 Kane đã tham gia vào việc khám phá ra Kepler-186f, một hành tinh rắn và có thể có nước trên bề mặt. Ông tiếp tục với công cuộc "săn lùng" các hành tinh tại San Francisco, công cuộc này khởi nguồn từ 1996, khi giáo sư Geoffrey Marcy và cử nhân Paul Butler trở thành hai người Mỹ đầu tiên đã tìm ra một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời. Kể từ đó, các giảng viên và sinh viên San Francisco đã khám phá ra hơn 500 ngoại hành tinh, với hơn 100 trong số đó là thành tích của Kane.
Tuấn Phong (VACA)
Theo Science Daily