Các nhà thiên văn học sử dụng kính thiên văn Green Bank (GBT)của quĩ khoa học quốc gia (Mỹ) cùng nhiều thiết bị quan sát khác đã xác định được thiên hà Milky Way của chúng ta là một phần của một siêu quần mới được xác định. Họ gọi tên nó là Laniakea, theo tiếng Hawaii có nghĩa là "bầu trời rộng lớn".
Các thiên hà trong vũ trụ không đứng đơn lẻ, hầu hết chúng thuộc các nhóm tập hợp và liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn gọi là các cụm hay quần thiên hà. Thiên hà của chúng ta, Milky Way cũng thuộc một quần thiên hà như vậy, có tên là Cụm Địa Phương (Local Group). Nhiều quần thiên hà liên kết với nhau tạo thành những nhóm lớn hơn gọi là các siêu quần thiên hà. Cụm Địa Phương nơi chúng ta đang sống thuộc một siêu quần thiên hà có tên là Virgo, một cấu trúc có đường kính trên 100 triệu năm ánh sáng và chứa trong nó hơn 100 nhóm và quần thiên hà.
Tuy vậy, ranh giới thực sự của vùng vũ trụ chúng ta đang sống với các vùng khác trong phần vũ trụ đã được nhìn thấy trước đây vẫn chưa được làm rõ.
Đến nay, với khám phá từ các quan sát mới, các nhà thiên văn đã có thể lập được bản đồ khu vực có chứa thiên hà Milky Way của chúng ta. Theo đó, siêu quần thiên hà Virgo là một phần của siêu quần thiên hà Laniakea.
Theo kết quả quan sát và tính toán của các nhà thiên văn học, Laniakea có đường kính lớn là 520 triệu năm ánh sáng và chứa trong nó khoảng 100.000 thiên hà với tổng khối lượng là 1017 (một trăm nghìn triệu triệu) khối lượng Mặt Trời.
Nghiên cứu này giúp làm rõ vai trò của Great Attractor - một sự bất thường trong lực hấp dẫn được quan sát thấy qua dịch chuyển của các thiên hà trong siêu quần. Ngày nay với việc xác nhận được khối lượng của Laniakea, các nhà khoa học có thể giải thích được chuyển đọng này.
Cái tên Laniakea được đề xuất bởi nhà ngôn ngữ học, giáo sư tiếng Hawaii Nawa'a Napoleon, với mục đích tôn vinh những nhà hàng hải Polynesia - những người đã sử dụng kiến thức về bầu trời của mình để phiêu lưu trên Thái Bình Dương.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
Nguồn + tham khảo: Space daily, Astronomy, Wikipedia (En)