Các nhà khoa học từ đại học Southampton đang hướng tới việc đẩy xa hơn hiểu biết của chúng ta về năng lượng tối, nguồn lực bí ẩn còn chưa được biết rõ gây ra sự giãn nở gia tốc của vũ trụ.

 

Dự án mới được cấp hơn 1,6 triệu bảng từ Hội đồng nghiên cứu châu Âu, sẽ sử dụng những vụ nổ vũ trụ được biết tới là các supernova, những vụ nổ hạt nhân mạnh mẽ từ các sao chết đủ mạnh để làm sáng cả thiên hà, để thực hiện các phép đo về năng lượng tối.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu dự định nghiên cứu một dạng mới và hiếm của supernova có thể cho phép họ thực hiện các phép đo ở khoảng cách rất xa trong vũ trụ, nơi mà không một phép đo vũ trụ học nào từng được thực hiện trước đây, và ở khoảng cách đó có thể tìm thấy những thông tin về năng lượng tối.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng muốn hiểu rõ hơn bản chất vật lý của các  ngôi sao trong giai đoạn phát nổ, khi mà các supernova là nguồn gốc của hầu hết các nguyên tố trong vũ trụ (trừ hydro và heli).

Giáo sư Mark Sullivan, người đứng đầu dự án, cho biết: "Bản chất của năng lượng tối là một trong những vấn đề nổi bật của vật lý hiện đại: năng lượng tối chiếm khoảng 70% toàn bộ vũ trụ và sẽ chỉ ra số phận cuối cùng của nó, nhưng chúng ta vẫn chưa có nhiều ý tưởng rõ ràng xem năng lượng tối chính xác là gì."

"Không chỉ việc hiểu về năng lượng tối là một thách thức, những dạng vụ nổ mới này gợi ý những công cụ mà chúng ta sử dụng để nghiên cứu vẫn còn chưa được hiểu rõ. Nghiên cứu như thế này tiếp tục những khám phá và hiểu biết của chúng ta về vũ trụ bao quanh và gây tò mò cho chúng ta."

Dự án mang tên "Supernova: Vật lý và Vũ trụ học trong thập kỉ tới", được bắt đầu vào ngày 1 tháng 6 này.

Bryan (VACA)
Theo Space Daily