Một nhóm các nhà thiên văn học đã tìm ra mối liên hệ đơn giản giữa màu sắc của một thiên hà và kích thước chỗ phình của nó – kích thước chỗ phình càng lớn thì thiên hà càng có màu đỏ hơn.

Vũ trụ chúng ta thấy được tạo thành bởi hàng tỷ thiên hà, mỗi thiên hà lại bao gồm hàng trăm nghìn đến hàng trăm tỷ ngôi sao. Một số lớn thiên hà có dạng hình Elip, màu đỏ, và chủ yếu gồm các ngôi sao già. Số thiên hà khác là loại quen thuộc hơn, có dạng hình xoắn, các cánh tay xoắn có dạng đĩa mỏng màu xanh, vươn ra từ chỗ phình trung tâm, màu đỏ. Thông thường, những ngôi sao trong các thiên hà xoắn có xu hướng trẻ hơn nhiều so với các sao trong các thiên hà hình Elip.

Giờ đây, một nhóm các nhà thiên văn học dẫn đầu bởi Asa Bluck của Đại học Victoria ở Canada đã tìm ra mối liên hệ đơn giản giữa màu sắc của một thiên hà và kích thước chỗ phình của nó – kích thước chỗ phình càng lớn thì thiên hà càng đỏ. Asa và đội của ông đã sử dụng dữ liệu từ Khảo sát bầu trời kỹ thuật số Sloan để nhóm lại hơn nửa triệu các thiên hà trong số tất cả những thiên hà khác nhau về màu sắc, hình dạng và khối lượng. Sau đó họ sử dụng phần mềm nhận dạng để xác định hình dạng của mỗi thiên hà trong số đó, và xem tỷ lệ những ngôi sao đỏ trong thiên hà dao đông ra sao với các đặc tính khác của thiên hà.

Họ phát hiện ra rằng khối lượng vùng phình trung tâm – bất kể đĩa xung quanh lớn thế nào – là chìa khóa để hiểu biết về màu sắc của toàn bộ thiên hà. Với một độ phình nhất định, các thiên hà có màu đỏ và không có các ngôi sao trẻ mới. Hầu như tất cả các thiên hà đều có các lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của nó. Khối lượng chỗ phình liên quan chặt chẽ với khối lượng của lỗ đen – khối lượng lỗ đen càng lớn, năng lượng phát ra xung quanh thiên hà dưới dạng năng lượng phản lực mạnh mẽ và phát xạ tia X càng lớn. Điều này có thể thổi đi và làm khí nóng lên, ngăn cản sự hình thành các sao mới.

“Một kết quả tương đối đơn giản, vùng phình của thiên hà lớn có nghĩa là thiên hà có màu đỏ, mang lại hệ quả quan trọng” Asa nói. “Những chỗ phình lớn có nghĩa là những lỗ đen lớn, và chúng có thể đặt dấu chấm hết cho sự hình thành sao”.

Ngọc Ánh (VACA)
Theo Astronomy