Mưa sao băng Geminids, trận mưa sao băng lớn nhất trong năm và cũng là hiện tượng thiên văn đáng chú ý cuối cùng của năm nay sẽ có thể được quan sát vào giữa thán này. Mặc dù không hoàn toàn thuận lợi, nếu may mắn người yêu thích bầu trời vẫn có thể quan sát nhiều sao băng của hiện tượng này.

Mưa sao băng Geminids (Geminids Meteor Shower) là hiện tượng diễn ra hàng năm do hàng loạt các mẩu đá nhỏ (thiên thạch) lao vào khí quyển Trái Đất khi Trái Đất đi qua khu vực quĩ đạo có chứa chúng, những mẩu đá này đều là phần tàn tích để lại trên đường đi của sao chổi 3200 Phaethon khi nó đi vào Hệ Mặt Trời.

Đến nay, Geminids là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất và đáng quan sát nhất mỗi năm, mặc dù ở những vùng có khí hậu lạnh và mây mù thì việc quan sát sẽ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với khi quan sát mưa sao băng Perseids vào tháng 8.

Năm 2013, mưa sao băng Geminids rơi vào khá gần ngày Trăng tròn nên Mặt Trăng có gây cản trở phần nào cho việc quan sát. Tuy nhiên, do Mặt Trăng sẽ lặn vào khoảng 3 giờ sáng các ngày 13 và 14 tháng này, lại ở cách khá xa chòm sao Gemini nơi tập trung hầu hết các sao băng nên về cơ bản người quan sát không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi ánh Trăng.

Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát trận mưa sao băng này là từ rạng sáng các ngày 13 và 14 tháng này, nhất là ngày 14, lúc sau 2h sáng (khi Mặt Trăng đã gần lặn). Vào thời điểm đó, chòm sao Gemini (Song Tử), trung tâm của trận mưa sao băng đang nằm rất cao trên bầu trời phía Đông, gần như ngay trên đỉnh đầu của bạn. Bạn có thể xác định hình dạng của nó như bức hình phía dưới, chú ý hai ngôi sao rất sáng của nó là Pollux và Castor. Tất nhiên, trên thực tế, bạn vẫn có thể quan sát trước giờ cực điểm nêu trên, khi chòm sao Gemini mới đang nằm hoàn toàn ở phần bầu trời phía Đông.




Vào thời điểm cực điểm của mình, mưa sao băng Geminids cho phép người quan sát thấy được khoảng 40 đến 50 sao băng mỗi giờ, thậm chí nhiều năm mật độ này lên tới 100 sao băng hoặc hơn.

Với điều kiện không có ánh Trăng như nêu trên, người quan sát sẽ khá dễ dàng trong việc ngắm nhìn hiện tượng thú vị này nếu thời tiết cho phép.

Hiện nay thời tiết ở Việt Nam chúng ta chưa hoàn toàn ổn định, nếu có mây mù thì việc quan sát hiện tượng này là không thể thực hiện. Độc giả nên chủ động theo dõi diễn biến thời tiết trước khi quyết định quan sát hiện tượng này.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, mật độ bụi và ánh sáng trong không khí quá nhiều nên ngay cả khi thời tiết lý tưởng, người quan sát cũng cần chọn địa điểm phù hợp cho mình để có thể quan sát hiện tượng này.

Dưới đây là một số hướng dẫn:
- Bạn không cần (và không nên dùng) kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào, hãy dùng mắt thường để quan sát.

- Khác với đa số các trận mưa sao băng nhỏ hơn, với Geminids bạn có thể quan sát trước nửa đêm khi bắt đầu thấy rõ chòm sao Geminids nếu không muốn phải thức đêm, nhất là với các tỉnh miền Bắc khi thời tiết đang rất lạnh, tuy vậy thời điểm từ sau 2h sáng nêu trên vẫn là thời gian lý tưởng nhất.
- Lưu ý điều kiện thời tiết, bạn chỉ có thể thấy sao băng nếu trời không mây. Một chú ý nhỏ như sau có thể giúp bạn: hãy đứng khoảng 5 phút ngoài trời cho mắt bạn quen dần với bóng tối. Khi đó bạn sẽ dễ dàng thấy các sao trên bầu trời. Nếu bạn có thể đếm được trên 50 ngôi sao, và có thể thấy chòm sao Gemini thì bạn sẽ có thể dễ dàng quan sát các sao băng của hiện tượng. Ngược lại nếu bạn không thể thấy những ngôi sao bình thường thì có nghĩa là mây và khí quyển ô nhiễm đã cản tầm nhìn của bạn, và bạn sẽ không thấy được sao băng.
- Chọn địa điểm phù hợp, hạn chế ô nhiễm không khí và không bị ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mắt (Ví dụ như đèn trên các cột đèn đường, đèn từ các công trường xây dựng ...) và tất nhiên vẫn phải bảo đảm an toàn cho bản thân bạn
- Chuẩn bị trang phục mũ áo đầy đủ để bảo vệ sức khỏe bản thân và đừng quên sáng hôm sau bạn sẽ còn nhiều việc cần làm.
- Cuối cùng khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hãy thật kiên nhẫn, đừng rời mắt khói bầu trời, ngay cả vào lúc cực điểm có thể bạn sẽ phải nhìn liên tục tới 10 phút mới thấy một vệt sao băng lao qua.

Chúc các bạn may mắn!
VACA