Nhà vật lý không gian Don Gurnett ở đại học Iowa (UI) cho biết có bằng chứng chắc chắn chứng minh tàu Voyager 1 của NASA đã trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay vào không gian liên sao (không gian giữa các ngôi sao, ngoài Hệ Mặt Trời), cách xa  chúng ta hơn 11 tỉ dặm (18 tỉ km) sau 36 năm kể từ ngày được phóng.

Phát hiện này được đăng trên một tờ  báo xuất bản ngày 12/09/2013, ấn phẩm trực tuyến của tạp chí Science (Khoa Học).

“Ngày 9 tháng 4, thiết bị sóng plasma của tàu Voyager 1, được thiết kế tại UI vào giữa những năm 70, bắt đầu phát ra sóng cục bộ, được gọi là dao động plasma electron, có tần số tương đương mật độ electron lớn hơn khoảng 40 lần mật độ bên trong nhật quyển-một vùng chịu sự ảnh hưởng của Mặt Trời” ông Gurnett cho biết. “Mật độ electron tăng lên là kết quả các nhà khoa học mong đợi có thể tìm thấy trong môi trường liên sao.”

“Đây là bằng chứng vững chắc đầu tiên cho thấy tàu Voyager 1 đã đi qua vùng đệm, ranh giới giữa nhật quyển và không gian liên sao,” ông Gurnett, nhà nghiên cứu hàng đầu về  thiết bị sóng plasma, cho biết.

Nhiều tháng nay, vị trí tương đối của Voyager 1 đã gây ra một cuộc tranh luận khoa học bởi vì còn có bằng chứng cho thấy nó ở gần nhật quyển bên kia vùng đệm heliopause.

Mặc dù Voyager 1 đã vào được không gian liên sao, điều đó không có nghĩa là chuyến hành trình kết thúc, ông Bill Kurth, nhà khoa học của UI và đồng tác giả của Science, cho biết.

“Hiện nay chúng ta vẫn đang ở bên ngoài nhưng chúng ta biết rằng không gian liên sao không phải là một khu vực đơn giản,” ông Kurth nói. “Hơn nữa, hệ thống đo lường của Voyager có sự biến động, điều này có thể là do nó ở gần nhật quyển. Cho nên, chúng ta nên chuyển sự chú tâm từ việc đi qua ranh giới sang tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra bên ngoài nó,” ông phát biểu.

Sau 36 năm, Voyager 1  là vệ tinh nhân tạo xa nhất, cách Mặt Trời hơn 18 tỉ km, tương đương khoảng 125 đơn vị thiên văn.

“Ở khoảng cách đó phải mất 17 tiếng để truyền tín hiệu vô tuyến từ tàu về một trong những mạng lưới ăng-ten không gian của NASA. Cường độ của tín hiệu yếu đến mức phải cần cả một ăng-ten có đường kính 230 foot (khoảng 70m) và một cái đường kính 110 foot (khoảng 33.5 m) để nhận dữ liệu phân giải cao nhất của chúng tôi”, ông Gurnett cho biết.

Được phóng vào ngày 5/9/1977, tàu Voyager 1 đã hoàn thành quỹ đạo bay qua cả Sao Mộc và Sao Thổ và hiện đang di chuyển ra xa Mặt Trời khoảng 3,5 đơn vị thiên văn mỗi năm. Tàu nối tiếp nó, Voyager 2 cũng đã được phóng ngày 20/08/1997 trên đường bay cũng đi qua Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Hiện tại, Voyager 2 vẫn đang ở trong nhật quyển, cách Mặt Trời khoảng 103 đơn vị thiên văn và bay ra ngoài khoảng 3,3 đơn vị thiên văn mỗi năm.

Ling Nguyen (VACA)
Theo Space-travel