Các nhà khoa học Mỹ cho biết một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời chuyển động quanh một ngôi sao cách xa chúng ta là một trong những hành tinh có năm (chu kì chuyển động quanh sao mẹ) ngắn nhất từng được quan sát. Nó chỉ mất hơn 8 giờ để chuyển động một vòng quanh sao mẹ.

Hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất này có tên là Kepler 78b, nằm cách chúng ta 700 năm ánh sáng, có một trong những quĩ đạo ngắn nhất từng được phát hiện, các nhà nghiên cứu ở viện công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết.

Chuyển động quĩ đạo rất nhanh này là hệ quả của việc nó nằm quá gần sao mẹ. Bán kính quĩ đạo của nó chỉ gấp 3 lần bán kính của ngôi sao, và các nhà nghiên cứu ước tính rằng nhiệt độ bề mặt của nó có thể cao tới 5000 độ F (2760 độ C).

Lớp trên cùng của hành tinh hoàn toàn nóng chảy, tạo ra một đại dương khổng lồ toàn dung nham, các nhà khoa học cho biết.

Các đo đạc về Kepler 78b đã xác định rằng hành tinh này gần sao mẹ của nó gấp 40 lần so với khoảng cách từ Sao Thủy tới Mặt Trời. (Sao Thủy là hành tinh gần Mặt Trời nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta).

Để hành tinh có thể có quĩ đạo gần ngôi sao như vậy, nó cần phải rất đặc, thậm chí có thể là toàn sắt vì nếu không các lực thủy triều sẽ xé nó ra từng mảnh.

"Một sự thật là để có thể tồn tại thì nó phải rất đặc" - Giáo sư vật lý Josh Winn ở MIT nói - "Tạo hóa thực tế có thể tạo ra các hành tinh đủ đặc để tồn tại ở gần hơn nữa hay không, đó là một câu hỏi mở, và sẽ còn thú vị hơn nữa"

Winn và các đồng nghiệp liên tục thực hiện các quan sát trên các hành tinh cỡ Trái Đất với chu kì quĩ đạo rất ngắn.

Bryan (VACA)
Theo Space Daily