Các quan sát từ đài Chandra X-ray của NASA đã hé lộ một đám mây khí hàng triệu độ trong một thiên hà cách Trái Đất khoảng 60 triệu năm ánh sáng. Đám mây khí nóng dường như được tạo thành từ một va chạm giữa một thiên hà lùn với thiên hà lớn hơn có tên NGC 1232. Nếu được xác nhận, khám phá này sẽ đánh dấu lần đầu tiên va chạm dạng này được phát hiện chỉ ở dải X-ray, và có thể tác động tới những hiểu biết về việc các thiên hà đã lớn thêm ra sao qua những va chạm tương tự.

Một bức hình kết hợp hai dải sóng X-ray và ánh sáng biểu kiến cho thấy cảnh va chạm. va chạm giữa thiên hà lùn và thiên hà xoắn tạo nên một sóng xung kích - giống như một vụ nổ âm thanh trên Trái Đất - làm đám khí nóng lên tới khoảng 6 triệu độ. Dữ liệu từ Chandra X-ray, được biểu diễn bằng màu tím, cho thấy đám khí nóng có hình dạng như sao chổi, gây ra bởi chuyển động của thiên hà lùn. Dữ liệu biểu kiến từ kính thiên văn cực lớn (VLT) của đài quan sát phía Nam châu Âu cho hình ảnh thiên hà xoắn có màu xanh và trắng. Nguồn điểm tia X đã được loại khỏi bức hình để nhấn mạnh sự phát xạ khuếch tán.

Gần phần đầu của phát xạ X-ray dạng sao chổi là vùng chứa nhiều sao rất sáng với sự tăng cường của sự phát xạ tia X. Sự tạo sao có thể đã được kích hoạt bởi sóng xung kích, tạo thành những sao sáng và nặng. Trong trường hợp đó phát xạ tia X có thể được được tạo bởi gió từ các sao nặng và từ những phần còn lại của các vụ nổ supernova cuối đời các ngôi sao.



Khối lượng của toàn bộ đám mây khí không được làm rõ do nó không thể được xác minh chỉ từ hình ảnh hai chiều vì không rõ khí nóng này chỉ tập trung ở một vùng mỏng hay phân bố theo dạng cầu trên một vùng rộng lớn. Nếu đám khí là mỏng dạng như chiếc bánh, khối lượng của nó sẽ vào khoảng 40 nghìn lần khối lượng của Mặt Trời. Nhưng nếu nó trải rộng ra phía xa nữa, thì khối lượng của nó có thể lớn hơn rất nhiều, có thể tới 3 triệu lần khối lượng Mặt Trời. Phạm vi này có vẻ phù hợp với số lượng thiên hà lùn trong Cụm Địa Phương nơi chứa thiên hà Milky Way của chúng ta.

Khí nóng tiến tục phát sáng ở dải X-ray trong vài chục tới vài trăm triệu năm nữa, phụ thuộc vào dạng hình học của cú va chạm. Va chạm có thể kết thúc sau 50 triệu năm nữa. Vậy nên tìm kiếm những vùng khí nóng lớn trong các thiên hà có thể là cách để ước tính được tần số va chạm với các thiên hà lùn và hiểu vai trò quan trọng của các va chạm này với sự lớn lên của các thiên hà.

Một cách giải thích khác về phát xạ X-ray là khí nóng có thể được tạo ra từ các vụ nổ supernova và gió nóng từ rất nhiều sao năng, tất cả tập trung ở một phía của thiên hà. Tuy nhiên sự thiếu bằng chứng của sóng vô tuyến, hồng ngoại và biểu kiến là điều chống lại giả định này.

Bryan (VACA)
Theo Science Daily