Enceladus, một vệ tinh màu trắng của Sao Thổ với ngọn núi phun ra băng, mang những đặc điểm kì lạ có được do lực triều gây bởi hấp dẫn từ hành tinh mẹ của nó, một nghiên cứu mới cho biết.
Được phát hiện vào năm 1789 bởi William Herschel, Enceladus có kích thước chỉ 504 km (315 dặm) nhưng là một trong những thiên thể kì lạ tuyệt vời của Hệ Mặt Trời. Bề mặt của nó là một vỏ băng màu trắng tuyệt đẹp, chứ không phải như những tiểu hành tinh chỉ toàn đá và bụi. Bề mặt của thiên thể cũng vẫn còn nguyên vẹn, ngoại trừ một mạng lưới các vết nứt ở gần cực nam của nó.
Các vết nứt này - được gọi là "sọc hổ" - là những đài phun hơi nước, hơi nước ngay lập tức biến thành các hạt băng khi tiếp xúc với chân không lạnh của không gian bên ngoài. Một số nhà vật lý thiên văn cho rằng nó ẩn giấu bên dưới lớp băng một đại dương nước mặn, làm cho nó trở thành một ứng cử viên thích hợp cho sự sống.
Nhưng làm thế nào một đại dương dưới bề mặt có thể tồn tại, nếu nhiệt độ môi trường xung quanh gần không độ tuyệt đối - tức - 273 độ C (hay -460 độ F) - và nằm cách rất xa Mặt Trời? Câu trả lời, các nhà lý thuyết cho rằng, nằm ở một hiện tượng được gọi là lực thủy triều.
Họ cho rằng lực hấp dẫn tác dụng bởi Sao Thổ, hành tinh lớn thứ hai của Hệ Mặt Trời, đã nén các bộ phận bên trong Enceladus, gây ma sát tạo ra nhiệt cho phép nước tồn tại ở trạng thái lỏng. Được tranh luận trong suốt một thời gian dài, quan điểm này đã được hỗ trợ bởi các so sánh sự biến đổi của đám băng quan sát được trong quá trình vệ tinh này chuyển động xung quanh Sao Thổ theo một quỹ đạo hình quả trứng.
Khi Enceladus ở điểm gần nhất với Sao Thổ (cận điểm), đám băng mờ nhất, một dấu hiệu cho thấy vết nứt đang đóng lại bởi lực hấp dẫn mạnh từ hành tinh mẹ khổng lồ, và nước phun ra do đó tương đối ít, theo nghiên cứu mới cho thấy.
Khi Enceladus ở điểm xa nhất với Sao Thổ (viễn điểm), đám bụi khí sáng hơn nhiều lần, cho thấy khe nứt mở rộng - giống như nắm tay được mở ra - và nhiều nước được phun ra hơn. Bằng chứng đến từ 252 hình ảnh chụp ở dải sóng hồng ngoại được thực hiện bởi tàu thăm dò Cassini của Hoa Kỳ trong chuyến hành trình một mình của mình quanh hành tinh.
Chúng cung cấp "bằng chứng chắc chắn rằng các lực thủy triều đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động đám bụi khí của Enceladus, có lẽ bằng cách thay đổi độ rộng của các ống dẫn giữa bề mặt và hồ chứa dưới lòng đất", Matthew Hedman ở Đại học Cornell, New York, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói trên một bài báo.
Nhiều trong số các hạt băng từ Enceladus rơi trở lại trên bề mặt, điều này giải thích bề mặt màu trắng rực rỡ của nó. Băng cũng có thể là nguồn gốc của một trong những vành đai Sao Thổ, mang lại cho hành tinh khí khổng lồ vẻ đẹp đặc biệt của nó.
Gia Linh (VACA)
Theo Space Daily