Một cơn sóng thần Mặt Trời được quan sát bởi Đài quan sát động lực học Mặt Trời của NASA (SDO) và tàu không gian Hinode của Nhật Bản, đã được sử dụng để cung cấp các ước tính chính xác đầu tiên về từ trường của Mặt Trời. Sóng thần Mặt Trời được tạo ra bởi các vụ nổ lớn trong bầu khí quyển của Mặt Trời được gọi là các vụ phun trào nhật hoa (CME).

Khi CME đi vào không gian, sóng thần di chuyển trên Mặt Trời với tốc độ lên đến 1000 km mỗi giây.

Tương tự như sóng thần trên trái đất, hình dạng của sóng thần Mặt Trời thay đổi bởi môi trường mà chúng di chuyển qua. Cũng giống như âm thanh truyền đi nhanh hơn trong nước hơn trong không khí, sóng thần Mặt Trời có tốc độ cao hơn trong vùng từ trường mạnh hơn.

Tính chất độc đáo này cho phép nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard Đại học London, đo từ trường của Mặt Trời. Các kết quả được trình bày trong một bài báo sẽ sớm được công bố trên tạp chí Vật lý Mặt Trời.

Tiến sĩ David Long, Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard của Đại học London, và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đã chứng minh được rằng bầu khí quyển của Mặt Trời có từ trường yếu hơn so với một nam châm tủ lạnh bình thường khoảng mười lần."

Sử dụng dữ liệu thu được bằng cách sử dụng máy chụp ảnh quang phổ bằng tia cực tím mạnh (EIS), một thiết bị hàng đầu của Anh trên tàu Hinode của Nhật Bản, nhóm nghiên cứu đo mật độ của khí quyển Mặt Trời thông qua sự di chuyển của sóng thần.

Sự kết hợp quan sát hình ảnh và quang phổ cung cấp một cơ hội hiếm có để kiểm tra từ trường có trong khí quyển của Mặt Trời.

Tiến sĩ Long lưu ý: "Đây là những quan sát hiếm hoi của một sự kiện ngoạn mục,  tiết lộ một số chi tiết thực sự thú vị về ngôi sao gần nhất của chúng ta."

Có thể nhìn thấy như các vòng lặp và các cấu trúc khác trong bầu khí quyển của Mặt Trời, từ trường của Mặt Trời là khó đo lường trực tiếp và thường được ước tính bằng cách sử dụng mô phỏng máy tính. Tàu Hinode có ba kính thiên văn có độ nhạy cao, có thể quan sát ánh sáng nhìn thấy, tia X và tia cực tím để kiểm tra cả hai thay đổi chậm và nhanh trong từ trường.

Các thiết bị trên Hinode hoạt động như một kính hiển vi theo dõi cách mà từ trường xung quanh vết đen được tạo ra, hình dạng của chúng, và sau đó mất dần đi. Những kết quả này cho thấy độ chính xác của các thiết bị, đã đo được từ trường mà trước đây chúng ta nghĩ quá yếu để có thể phát hiện.

Các vụ nổ tạo ra sóng thần Mặt Trời có thể mang các CME bay về phía Trái Đất. Mặc dù được bảo vệ bởi từ trường riêng của mình, Trái Đất vẫn bị ảnh hưởng bởi những cơn bão Mặt Trời vì chúng có thể ảnh hưởng xấu đến vệ tinh và hạ tầng công nghệ.

Tiến sĩ Long cho biết: "Khi sự phụ thuộc của chúng ta vào công nghệ tăng lên, sự hiểu biết những vụ nổ này xảy ra và di chuyển như thế nào sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc bảo vệ chúng ta trước hoạt động của Mặt Trời."

Gia Linh (VACA)
Theo Space daily