Nếu bạn có một cỗ máy thời gian cho phép bạn tới bát cứ thời điểm nào trong quá khứ, bạn sẽ chọn lúc nào? Đa số người ta sẽ muốn về thời kì của khủng long với hi vọng chiêm ngưỡng một con T-Rex, nhưng với rất nhiều nhà thiên văn học, thời điểm mong muốn lại là khoảng 4,5 tỷ năm trước, khi Hệ Mặt Trời hình thành.
Thay vì sử dụng cỗ máy thời gian, chúng ta tìm hiểu sự ra đời của Mặt Trời và các hành tinh của nó qua việc nghiên cứu các ngôi sao trẻ trong thiên hà. Một nghiên cứu mới gợi ý rằng Mặt Trời của chúng ta hoạt động rất mạnh vào giai đoạn đầu của nó, lớn lên rất nhanh cùng với các vụ nổ tia X.
"Qua nghiên cứu TW Hydrae, chúng tôi có thể quan sát xem điều gì đã xảy ra với Mặt Trời của chúng ta khi nó còn sơ sinh" - cho biết của Nancy Brickhouse ở trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA) tại Cambridge, Massachusetts.
Brickhouse và các đồng nghiệp của bà đưa ra kết luận này sau khi nghiên cứu TW Hydrae, một sao trẻ cách chúng ta 190 năm ánh sáng, nằm ở phía Nam chòm sao Hydra. TW Hydrae là một sao da cam thuộc lớp K với khối lượng khoảng 80% khối lượng Mặt Trời. Nó mới khoảng 10 triệu năm tuổi và vẫn đang bồi khí từ đĩa vật chất xung quanh. Đĩa này cũng có thể là nơi ra đời các hành tinh trẻ.
Để lớn lên, ngôi sao "ăn" khí từ đĩa vật chất. Tuy nhiên, đĩa không trải rộng khắp bề mặt sao và vì thế sao không thể nuốt trực tiếp khí của nó, thay vào đó chạt theo các đường sức từ để vào cực của ngôi sao.
May mắn thay, chúng ta đang có hướng nhìn thẳng vào một cực của ngôi sao và kết quả là các nhà khoa học có thể quan sát chi tiết quá trình bồi tụ vật chất. "Chúng tôi nhìn thẳng vào nơi quá trình diễn ra" Andrea Dupree ở CfA cho biết.
Vật chất bị cuốn vào ngôi sao tạo thành một sóng mạnh làm nóng khí bồi tụ tới nhiệt độ hơn 5 triệu độ F (2,8 triệu độ C). Nhiệt độ này làm khí phát ra bức xạ dưới dạng các tia X. Khi đi sâu vào lòng ngôi sao, khí nguội đi và bức xạ phát ra chuyển sang bước sóng của ánh sáng nhìn thấy. Để nghiên cứu quá trình này, nhóm của Brickhouse kết hợp quan sát của trạm quan sát Chandra X-ray và kính thiên văn quang học mặt đất.
Họ tìm ra rằng sự bồi tụ diễn ra liên tục qua nhiều giai đoạn trong cuộc đời của ngôi sao. Nó không cố định mà nhanh hay chậm khác nhau tùy vào mỗi giai đoạn hoạt động của sao.
Các nhà khoa học đã biết rằng các sao trẻ có từ trường mạnh hơn so với Mặt Trời đã nhiều tuổi của chúng ta, nhưng giờ đây họ mới thực sự nghiên cứu được sự tương tác giữ từ trường của sao và đĩa tiền hành tinh.
Bryan (VACA)
Theo Astronomy