Cuốn lịch ghi ngày tháng vốn từ lâu đã là vật dụng thân quen trong mỗi gia đình, công sở của chúng ta. Mặc dù ngày nay người ta có thể xem lịch trên máy tính, trên điện thoại di động hay nhiều phương tiện khác, nhưng việc theo dõi trực tiếp một cuốn lich giấy được in ra vẫn còn là thói quen thường trực của một bộ phân đông đảo người Việt Nam. Chính vì vậy, tính chính xác của mỗi ngôn từ được sử dụng càng không thể bỏ qua.
Tôi vốn không phải nhà ngôn ngữ học. Nhưng khi làm khoa học, tôi hiểu rất rõ vai trò của ngôn ngữ trong việc truyền tải thông tin, để thông tin mang tính khoa học, chính xác. Trước đây tôi cũng đã từng viết một bài về cách sử dụng một số thuật ngữ chưa chính xác trong thiên văn học xuất phát từ sự hiểu nhầm, hay sự thiếu am tường về ngôn ngữ của những người làm công tác biên soạn, phổ biến, giảng dạy (đọc tại đây) ... Những năm trước đây, tôi đã nhiều lần để ý các cuốn lịch của chúng ta được xuất bản trong nước, được cấp phép xuất bản hẳn hoi, và do những nhà xuất bản, nhà in có uy tin in ấn và phát hành. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù được cấp phép và được các cơ quan như vậy tham gia phát hành, nhưng những cuốn lịch đó hầu hết mắc những lỗi sai hết sức cơ bản về ngôn từ, các lỗi này có thể dẫn tới hiểu nhầm, làm lệch lạc nhận thức của một số lượng lớn người sử dụng về văn hóa và ngôn ngữ. Dưới đây xin nêu qua một điểm sai cơ bản như vậy.
Dưới đây là bức ảnh chụp tờ lịch ngày 1 tháng 1 năm 2013, đây là một bức ảnh tiêu biểu, một tỷ lệ rất lớn các cuốn lịch ở Việt Nam đang được in tương tự
(hình ảnh lấy tham khảo từ website webtretho.com)
Chúng ta thấy rằng tháng trong dương lịch được gọi là tháng "Giêng", còn tháng âm lịch là tháng "mười một".
Ở đây có hai cái sai cơ bản
1- Trong dương lịch không có tháng Giêng hay tháng Chạp mà chỉ có tháng một và tháng mười hai. Hai cái tên Giêng và Chạp là tên riêng của hai tháng trong âm lịch, và chỉ có trong âm lịch. Tất nhiên, có một số ý kiến lý giải rằng bản thân tháng Giêng là tháng đầu tiên trong âm lịch, nên suy ra nếu Việt hóa các tên tháng phương Tây của dương lịch thì cũng có thể dịch tháng đầu tiên (January) là tháng Giêng. Lý lẽ này theo tôi là bất hợp lý, vì bản thân người Việt đã mặc định gọi tên các tháng theo số thứ tự từ 1 tới 12, việc đưa một tháng Giêng và một tháng Chạp vào gây ra sự mâu thuẫn hệ thống về thuật ngữ. Quan trọng hơn, cách gọi này dẫn tới một hiểu nhầm nghiêm trọng khác như ý thứ hai tôi nêu sau đây.
2- Trong âm lịch không hề có "tháng mười một". Nếu để ý, chúng ta thấy dân gian ta hay đọc thứ tự các tháng là "một, Chạp, Giêng, hai...". Có nghĩa là tháng thứ mười một trong năm được gọi là tháng một, tháng thứ mười hai là tháng Chạp.
Tại sao lại có chuyện đặt thứ tự như vậy? Khi tìm hiểu các ý kiến tranh luận trên internet, tôi thấy có một tác giả phân tích thế này (như trong hình)
(hình chụp từ địa chỉ http://www.advite.com/khaocacchungaythang.htm)
Có một số nơi khác cũng đã copy tham khảo đoạn trích của tác giả trên trong các phần thảo luận về âm lịch và ngày tháng. Tác giả trên đã hoàn toàn sai khi cho rằng việc đọc tháng một là do lối đọc nhanh của người miền Bắc.
Bản thân tôi là một người miền Bắc, và chưa có dịp tìm hiểu xem người miền Trung và miền Nam có thường gọi đúng tháng thứ mười một trong năm là tháng một không. Nhưng có một điều chắc chắn, âm lịch của chúng ta xuất phát từ lịch Mặt Trăng (lunar calendar) đến từ Trung Quốc. Nếu bạn để ý các cuốn lịch có chú thích chi tiết về âm lịch, chẳng hạn như hình phía trên, thì thấy rằng tháng thứ mười một âm lịch hàng năm bao giờ cũng là tháng tý (đứng thứ nhất trong 12 chi). Theo tra cứu thì tôi được biết tháng này rơi vào khoảng thời gian có ngày đông chí (21 hoặc 22/12 dương lịch hàng năm), tương đương với thời điểm gieo mạ vụ lúa xuân của các quốc gia phương Đông trồng lúa lâu đời. Điều này lý giải nguyên do của việc tháng này được gọi là tháng tý. Ban đầu trong hệ thống can chi của người phương Đông, các chi chưa được gán với các con vật mà là diễn biến vòng đời của cây, trong đó Tý là giai đoạn mầm hút nước (tham khảo trong bài "Ngũ hành và Can Chi" của Bùi Dương Hải). Mặt khác, bản thân tháng được chọn là tháng đầu năm trong âm lịch của chúng ta thực tế cũng không phải luôn là tháng Giêng (tháng Dần) như ngày nay mà từng có những khoảng thời gian nó rơi vào tháng một (tháng Tí) hay tháng Chạp (tháng Sửu) do qui ước của các triều đại phong kiến trước đây (ở Trung Quốc, còn Việt Nam ta là sử dụng theo qui ước của Trung Quốc chứ không phải người Việt đặt ra). Do đó không thể nói là tháng Tí không phải tháng một vì nó nằm ở cuối năm.
Như vậy thì có thể thấy việc gọi tháng thứ mười một trong âm lịch, tức tháng Tý là "tháng một" là hoàn toàn đúng. Các tài liệu ghi tháng này là "tháng mười một" là còn thiếu chính xác.
Trên đây là vài ý kiến ngắn gọn, để giúp các độc giả tránh khỏi các hiểu nhầm về ngôn ngữ và văn hóa phương Đông.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này!