Các nhà thiên văn học từ dự án CLUES đã xác định một quá trình gọi là “Hút lưới vũ trụ” như một cách mới để giải thích vấn đề về các thiên hà lùn: số lượng ít ỏi những thiên hà lùn đã được quan sát ngược lại với dự đoán của lý thuyết về Vật chất tối lạnh và Năng lượng tối.
Các quan sát với độ chính xác cao trong hai thập kỉ qua đã chỉ ra rằng vũ trụ của chúng ta gồm có 75% năng lượng tối, 20% vật chất tối, và 5% vật chất thường. Các thiên hà và vật chất trong vũ trụ hợp lại trong một mạng lưới phức tạp với những sợi chằng chịt và khoảng trống, được biến đến như Lưới vũ trụ.
Các thí nghiệm máy tính trên các siêu máy tính cực lớn đã chỉ ra rằng ở trong một vũ trụ như của chúng ta, một số lớn các thiên hà lùn nhỏ nặng bằng khoảng 1/1000 Milky Way sẽ được tạo ra trong khoảng không vũ trụ xung quanh chúng ta. Nhưng chỉ có một số ít những thiên hà như thế này được quan sát thấy đang di chuyển quanh Milky Way. Sự thiếu các thiên hà lùn được quan sát là một chướng ngại vật lớn nếu chúng ta muốn hiểu về sự hình thành các thiên hà.
Một nhóm các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu vấn đề này trong Dự án Mô phỏng vũ trụ hạn chế cục bộ (CLUES). Các mô hình CLUES sử dụng những vị trí đã quan sát được và những vận tốc cụ thể của các thiên hà trong vòng bán kính hàng chục triệu năm ánh sáng từ Milky Way để mô phỏng chính xác môi trường xung quanh của thiên hà chúng ta. “Mục đích chính của dự án là mô phỏng sự tiến hóa của Cụm Địa Phương – Andromeda và Milky Way và những hàng xóm nhẹ cân hơn của chúng – đặt trong môi trường chung của chúng,” theo lời Stefan Gottlöber từ Viện Leibniz Thiên văn vật lý của Potsdam.
Nghiên cứu các mô hình của CLUES, các nhà thiên văn học đã khám phá ra rằng một vài trong số những thiên hà lùn của Cụm Địa phương di chuyển với vận tốc rất lớn so với Lưới vũ trụ đến mức hầu hết các khí của chúng có thể bị hút hết. Họ gọi hiện tượng này là “Hút lưới vũ trụ”, vì nó là cấu trúc lưới của vũ trụ chính là thủ phạm hút hết nguồn khí của các thiên hà lùn này.
“Những thiên hà lùn này di chuyển nhanh tới mức cả những màng yếu nhất của Lưới vũ trụ cũng có thể hút hết khí của chúng,” theo lời giải thích của Alejandro Benítez LLambay, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Thiên văn lý thuyết và thực hành của Đại học quốc gia Córdoba, Argentina, và tác giả đầu tiên công bố nghiên cứu này. Nếu không có một trữ lượng khí lớn để hình thành các ngôi sao, những thiên hà lùn này sẽ quá nhỏ và mờ đến mức chúng khó có thể nhìn thấy. Những thiên hà lùn còn thiếu có thể chỉ đơn giản là quá mờ để nhìn thấy được.
Quỳnh Chi (VACA)
Theo Science Daily