Các khoáng chất tìm thấy dưới bề mặt Sao Hỏa, khoảng ba dặm dưới mặt đất, có thể cho bằng chứng chắc chắn nhất rằng Hành tinh Đỏ từng tồn tại sự sống, theo như bài nghiên cứu “Các hoạt động nước ngầm của Sao Hỏa và khả năng cho một sinh quyển sâu hơn,” được công bố trong Nature Geoscience vào ngày 20/1/2013.
Một nửa sự sống trên Trái Đất gồm có các vi sinh vật đơn giản giấu trong các tảng đá dưới bề mặt và các nhà khoa học nói rằng điều tương tự có thể từng đúng với Sao Hỏa. Hiện nay lý thuyết này đã được ủng hộ với những nghiên cứu mới, chỉ ra rằng các nguyên liệu của sự sống rất có thể đã có mặt trong lớp dưới bề mặt của Sao Hỏa trong hầu hết lịch sử của hành tinh này.
Khi các thiên thạch va chạm với bề mặt Sao Hỏa, chúng trở thành những máy khoan tự nhiên, đưa lên những tảng đá từ sâu dưới bề mặt. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khá nhiều trong số những tảng đá được đưa lên từ sâu dưới bề mặt này chứa đất sét và các khoáng chất mà bản chất hóa học của chúng có thể đã bị tác động bởi nước – một nguyên liệu quan trọng cho sự sống. Một số hố sâu trên Sao Hỏa cũng có thể từng là những lưu vực mà có thể nước ngầm đã chảy vào để tạo thành các hồ.
Hố McLaughlin, được mô tả trong nghiên cứu này, là một lưu vực như vậy chứa đất sét và các khoáng chất cacbon được tạo thành ở một hồ cổ trên Sao Hỏa. Các dung dịch tạo thành những khoáng chất này có thể mang bằng chứng liệu dưới bề mặt có từng chứa sự sống.
“Chúng tôi không biết sự sống trên Trái Đất đã hình thành như thế nào nhưng có thể nó đã hình thành từ dưới mặt đất, được bảo vệ khỏi những điều kiện khắc nghiệt của Trái Đất nguyên sơ. Nhưng vì quá trình kiến tạo địa chất, các quá trình địa chất ban đầu của Trái Đất hầu như không để lại dấu hiệu gì nên chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết về những quá trình đã dẫn tới nguồn gốc sự sống và sự tiến hóa nguyên sơ,” theo lời Tiến sĩ Joseph Michalski, tác giả chính và nhà địa chất hành tinh tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại London. “Khám phá những hòn đá Sao Hỏa với lịch sử địa chất được bảo tồn tốt hơn trên Trái Đất sẽ giống như tìm thấy những trang từng bị xé mất khỏi cuốn sách lịch sử địa chất của Trái Đất. Dù lịch sử địa chất Sao Hỏa có chứa sự sống hay không, phân tích những hòn đá này sẽ dạy chúng ta thêm rất nhiều điều về các quá trình hóa học ở Hệ Mặt Trời thuở sơ khai.”
Đồng tác giả Deanne Rogers, trợ lý giáo sư tại Ban Khoa học Địa lý của Đại học Stony Brook đã sử dụng các dữ liệu từ Máy quang phổ phát nhiệt trên Máy quan sát Sao Hỏa của NASA và Hệ thống Hình ảnh tỏa nhiệt trên vệ tinh nhân tạo Odyssey của Sao Hỏa để dò và xác định những khoáng chất có thể khẳng định sự tồn tại của nước trong Hố McLaughlin.
“Những gì chúng ta biết về Sao Hỏa đang thay đổi rất nhanh với tất cả những dữ liệu mới,” theo lời của Giáo sư Rogers. “Từng có vài quan sát và mô hình gần đây chỉ ra xác suất của một lượng nước ngầm lớn trong lịch sử Sao Hỏa, và có thể hiện nay vẫn tồn tại. Vậy nên bạn có thể hi vọng rằng những bồn địa sâu và giao nhau với mạch nước ngầm đi lên như McLaughlin vẫn chứa bằng chứng về nguồn nước này. Và nghiên cứu này đã tìm ra bằng chứng ấy.”
Các cuộc thám hiểm hiện nay trên Sao Hỏa tập trung nghiên cứu các quá trình trên bề mặt bởi vì các hòn đá nguyên thủy rất có thể cung cấp bằng chứng tốt nhất về khả năng tồn tại sự sống. Tuy nhiên các bằng chứng cho thấy rằng môi trường bề mặt Sao Hỏa có thể khá khắc nghiệt với sự sống trong hàng tỉ năm. Trong các chuyến thăm dò trong tương lai, các nhà khoa học có thể chọn các tảng đá bề mặt hoặc dưới bề mặt, hoặc cả hai bằng cách chọn những khu vực các tảng đá sơ khai hình thành từ các dung dịch dưới lòng đất.
Michalski kết luận: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi nêu về một trường hợp thăm dò bề mặt và dưới bề mặt. Nhưng bản thân tôi không nghĩ rằng chúng ta nên khoan vào dưới lòng đất để tìm sự sống cổ đại. Thay vào đỏ, chúng ta có thể nghiên cứu các tảng đá đã được đưa lên bề mặt bởi các vụ va chạm thiên thạch và tìm trong các bồn địa sâu mà các dung dịch có thể đã lên tới bề mặt.”
Đồng tác giả Giáo sư John Parnell, nhà địa hóa học tại Đại học Aberdeen phát biểu, “Nghiên cứu này đã thể hiện mối quan hệ giữa nghiên cứu về Trái Đất và về Sao Hỏa. Đây là điều chúng tôi đã quan sát ở các vi trùng sống dưới các lục địa và biển của Trái Đất. Chúng có thể cho phép chúng ta dự đoán về các môi trường sống cho sứ sống trong quá khứ trên Sao Hỏa, và điều này lại có thể cho chúng ta thấy cách sự sống trên Trái Đất nguyên thủy đã tồn tại. Chúng tôi biết từ lịch sử Trái Đất rằng khi các hành tinh gặp phải các điều kiện khắc nghiệt như các kỉ băng hà hay các vụ va chạm thiên thạch tần số lớn, sự tồn tại của sự sống có thể dựa vào việc ở sâu dưới bề mặt. Vậy nên chúng ta nên tìm kiếm bằng chứng sự sống ở các môi trường dưới lòng đất, trong lịch sử địa chất của cả Trái Đất và Sao Hỏa. Nhưng để làm được việc đó trên Trái Đất là một việc, và chúng ta cần phải rất khôn ngoan tìm ra một cách làm được việc này trên Sao Hỏa.”
Các đồng tác giả của nghiên cứu gồm có: Javier Caudros – nhà nghiên cứu, nhà khoáng chất đất sét học, ban Khoa học Trái Đất, Bảo tàng lịch sử tự nhiên, London, Paul B. Niles – nhà khoa học hành tinh, Trung tâm không gian Johnson của NASA, và Shawn P. Wright – học sinh sau tiến sĩ về địa chất, Đại học Auburn.
Quỳnh Chi (VACA)
Theo Science Daily