Một nhóm các nhà thiên văn học khắp thế giới, dẫn đầu bởi các chuyên gia từ  Đại học Central Lancashire đã tìm thấy cấu trúc lớn nhất từng biết trong vũ trụ. Quần thể quasar lớn (LQG) lớn tới mức một con tàu di chuyển với vận tốc ánh sáng sẽ mất bốn tỉ năm để đi qua nó.

Nhóm vừa công bố khám phá của họ trong tạp chí Báo cáo hành tháng của Hội thiên văn Hoàng gia (Monthly Notices of the Royal Astronomical Society). Quasar là cái nhân của các thiên hà từ những ngày đầu của vũ trụ và đã trải qua các giai đoạn ngắn của tần số ánh sáng cực lớn nên chúng có thể được nhìn thấy dù ở những khoảng cách rất xa. Những giai đoạn này là ngắn theo định nghĩa của thiên văn học nhưng thực ra kéo dài từ 10 đến 100 triệu năm.

Từ năm 1982 chúng ta đã biết rằng quasar thường nhóm lại thành các cụm hoặc cấu trúc với kích thước cực lớn, tạo nên các Quần thể quasar lớn.

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là Tiến sĩ Roger Clowes từ Học viện Jeremiah Horrocks của  Đại học Central Lancashire đã tìm ra một quần thể quasar lớn khổng lồ tới mức nó có vẻ đi ngược lại cả Nguyên lý vũ trụ học: giả định rằng vũ trụ khi nhìn ở quy mô lớn thì sẽ giống nhau từ mọi góc quan sát.

Mô hình hiện đại của vũ  trụ học được dựa trên các công trình của Albert Einstein, và dựa trên giả định trên của Nguyên lý vũ trụ học. Nguyên lý này chỉ được giả định nhưng chưa bao giờ được chứng minh là đúng.

Để hiểu thêm một chút về quy mô đang nói tới, thiên hà của chúng ta, Milky Way cách hàng xóm gần nhất của nó Thiên hà Andromeda khoảng 0.75 Megaparsec (Mpc) hay 2.5 triệu năm ánh sáng.

Một cụm thiên hà hoàn chỉnh có thể trải dài suốt 2 – 3 Mpc nhưng các quần thể quasar lớn có thể trải dài suốt 200 Mpc hay hơn. Dựa trên Nguyên lý vũ trụ học và mô hình vũ trụ học hiện đại, các tính toán chỉ ra rằng các nhà vật lý thiên văn sẽ không thể tìm một cấu trúc nào lớn hơn 370 mpc.

Quần thể quasar lớn vừa được Tiến sĩ Clowes khám phá lại có kích thước vào khoảng 500 Mpc. Nhưng vì nó bị kéo dãn, nên kích thước dài nhất của nó có thể lên tới 1200 mpc (hay 4 tỉ năm ánh sáng) – khoảng 1600 lần lớn hơn khoảng cách giữa Milky Way và Andromeda.

Tiến sĩ Clowes nói: “Dù rất khó để có thể hiểu hết quy mô của quần thể quasar lớn này, chúng ta có thể khẳng định nó là cấu trúc lớn nhất từng nhìn thấy trong toàn vũ trụ. Đây là một khám phá quan trọn – bởi vì nó thách thức cả hiểu biết đương thời của chúng ta về vũ trụ. Kể cả đi với vận tốc ánh sáng, chúng ta cũng sẽ mất 4 tỉ năm để đi hết nó. Quần thể này quan trọng không chỉ bởi kích thước mà còn bởi vì nó đi ngược lại với Nguyên lý vũ trụ học, thứ đã được đông đảo giới nghiên cứu chấp thuận kể từ thời Einstein. Nhóm chúng tôi đang nghiên cứu các trường hợp tương tự để hiểu thêm về sự mâu thuẫn này và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu những hiện tượng kì thú như thế này.”

Quỳnh Chi (VACA)
theo Science Daily

(cấu trúc lớn nhất vũ trụ theo ghi nhận trước đây là The Sloan Great Wall (SGW), một siêu siêu quân thiên hà với đường kính cực đại là 1,37 tỷ năm ánh sáng. Kích thước của SGW không hề vi phạm nguyên lý vũ trụ học)