Chỉ còn 3 ngày nữa, chúng ta sẽ bước sang năm 2013. Trong năm 2012, người yêu thích thiên văn và bầu trời đã có cơ hội chứng kiến một lượng lớn các hiện tượng thiên văn. Năm 2013 tới đây, những hiện tượng gì đang chờ đợi người quan sát?

Khác với năm 2012, năm 2013 không phải một năm được lấp đầy bởi hàng loạt hiện tượng thiên văn hấp dẫn, ngoài các trận mưa sao băng định kì hàng năm, đáng chú ý với người quan sát tại Việt Nam trong năm chỉ có hai lần nguyệt thực sẽ diễn ra. Dưới đây là thông tin về toàn bộ các hiện tượng sẽ có thể được quan sát tại Việt Nam trong năm 2013.

1. Mưa sao băng Quadrantids: trận mưa sao băng cỡ trung bình với mật độ tối đa vào lúc cực điểm khoảng 30-40 sao băng/giờ. Trận mưa sao băng đạt cực điểm vào đêm ngày 3 và 4 tháng 1, là hiện tượng thiên văn đầu tiên của năm. Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là sau nửa đêm mồng 3, rạng sáng mồng 4 tháng 1. Trận mưa sao băng này có vùng trung tâm quanh chòm sao Bootes (Mục phu/Thợ săn gấu), sở dĩ nó lại có tên là Quadrantids do trước đây ngay bên cạnh chòm sao Bootes có một chòm sao nhỏ tên là Quadrans Muralis (Thước phần tư) và trận mưa sao băng này có tâm điểm tại đó, tuy nhiên sau này chòm sao Quadrans Muralis không được tiếp tục thừa nhận, nó bị hợp nhất vào chòm sao Bootes. Một lưu ý khác là trăng bán nguyệt cuối tháng sẽ là tác nhân che khuất khá nhiều sao băng của hiện tượng này.


Vị trí tâm điểm của mưa sao băng Quadrantids, hình chụp từ phần mềm Stellarium

2. Mưa sao băng Lyrids: trận mưa sao băng cỡ trung bình/nhỏ với mật độ không quá 20 sao băng/giờ diễn ra trong khoảng từ 16 tới 25 tháng 4. Cực điểm của nó sẽ rơi vào đêm 21 và 22 tháng 4. Mặt Trăng sẽ làm mờ nhiều sao băng của trận mưa sao băng này, do đó hiện tượng chỉ có thể quan sát thuận lợi ở các khu vực thời tiết lý tưởng và ít ô nhiễm khí quyển. Mưa sao băng Lyrids có vùng trung tâm là chòm sao Lyra (Thiên cầm/cây đàn Lire)

3. Nguyệt thực một phần ngày 25 tháng 4. Hiện tượng này diễn ra vào tối 25 tháng 4, có thể được quan sát thấy tại một dải rộng lớn gồm toàn bộ châu Âu, châu Phi, phần lớn châu Á và châu Đại Dương. Việt Nam chúng ta cũng nằm trong khu vực có thể quan sát trọn vẹn lần nguyệt thực này. Đây có thểcoi là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm 2013 đối với người quan sát tại Việt Nam.

Mô tả các khu vực quan sát nguyệt thực ngày 25/4 trên thế giới, Việt Nam nằm trong vùng có thể thấy trọn vẹn hiện tượng (nguồn: NASA)

4. Mưa sao băng Eta Aquarids: trận mưa sao băng cỡ nhỏ với mật độ lúc cực điểm chỉ khoảng 10 sao băng mỗi giờ. Thời gian lý tưởng nhất để quan sát trận mưa sao băng này là sau nửa đêm mồng 5, tức rạng sáng ngày mồng 6 tháng 5. Nó có tâm điểm là chòm ao Aquarius (Bảo bình/người vác bình).

5. Sao Kim và Sao Mộc gặp nhau trên bầu trời tối 28 tháng 5. Tuy không phải một hiện tượng thiên văn đặc biệt, nhưng đây cũng là một điều thú vị với những người yêu thích việc quan sát bầu trời, khi hai đốm sáng đẹp nhất gặp nhau trên bầu rời, chỉ cách nhau chừng một độ. Hãy nhìn về bầu trời phía Tây lúc hoàng hôn buông xuống ngày 28 tháng 5.


Sao Mộc và Sao Kim nằm kề nhau lúc hoàng hôn ngày 28 tháng 5, Sao Thủy cũng nằm khá gần đó (chụp từ phần mềm Stellarium)


6. Mưa sao băng Nam Delta Aquarids, một trận mưa sao băng khác với tâm điểm là chòm sao Aquarius, với mật độ cỡ trung bình/nhỏ, khoảng 20 sao băng mỗi giờ. Thời điểm lý tưởng để quan sát hiện tượng này sẽ là đêm 28 và 29 tháng 7.

7. Mưa sao băng Perseids: một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với mật độ khoảng 60 sao băng mỗi giờ (hoặc hơn) trong đó có rất nhiều sao băng rất sáng và dài. Trận mưa sao băng kéo dài từ 22 tháng 7 tới 23 tháng 8 hàng năm, nhưng thời gian cực điểm thì rơi vào ngày 12, 13 tháng 8. Mặt Trăng đầu tháng sẽ lặn trước nửa đêm, do đó vào thời điểm rạng sáng ngày 13 tháng 8 sẽ là lý tưởng để quan sát hiện tượng này nếu không có biến cố về thời tiết. Để quan sát, hãy nhìn về bầu trời phía Đông, nơi có chòm sao Perseus (Anh Tiên/dũng sĩ Persée).

8. Nguyệt thực nửa tối ngày 18 tháng 10: Mặt Trăng sẽ đi vào vùng nửa tối của bóng Trái Đất, chuyển sang màu đỏ nhạt trong hiện tượng này. Đây là nguyệt thực nửa tối duy nhất trong năm 2013 và người quan sát tại Việt Nam có thể thấy nó vào lúc hoàng hôn ngày 18 tháng 10.


Mô tả các khu vực có thể quan sát nguyệt thực nửa tối, Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát lúc hoàng hôn.

9. Mưa sao băng Orionids: trận mưa sao băng tương đối lớn hàng năm với mật độ 20-30 sao băng/giờ với nhiều sao băng khá sáng, có vùng trung tâm là chòm sao Orion (thợ săn/dũng sĩ Orion). Thời điểm lý tưởng để quan sát trận mưa sao băng này là đêm 21 và 22 tháng 10. Năm 2013, việc quan sát trận mưa sao băng này sẽ gặp khó khăn do sự cản rở của ánh Trăng.

10. Mưa sao băng Leonids: trận mưa sao băng lớn có tâm điểm ở chòm sao Leo (Sư Tử). Trận mưa sao băng này có mật độ trung bình lên tới 40 sao băng mỗi giờ. Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này sẽ là đêm 17, rạng sáng ngày 18 tháng 11. Mặc dù vậy, năm 2013 trận mưa sao băng này sẽ không được như mong muốn của người quan sát vì nó rơi vào đúng ngày Trăng tròn, ánh Trăng sẽ che mờ một lượng lớn các sao băng của hiện tượng.

11. Mưa sao băng Geminids: hiện tượng thiên văn cuối cùng trong năm và cũng là một trong số hai trận mưa sao băng lớn nhất (cùng với Perseids). Trận mưa sao băng này có tâm điểm là chòm sao Gemini (Song tử) với mật độ trên 60 sao băng mỗi giờ. Mặt Trăng sẽ gây một số cản trở trong việc quan sát hiện tượng này, tuy vậy đây vẫn có thể là một trận mưa sao băng đáng theo dõi. Thời điêm lý tưởng nhất cho người quan sát sẽ là rạng sáng ngày 14 tháng 12, khi đó hãy tìm chòm sao Gemini khi đó nằm rất cao trên bầu trời.

Trên đây chỉ là các hiện tượng thiên văn có thể được quan sát tại Việt Nam, các hiện tượng khác có thể quan sát tại các địa danh khác trên thế giới nhưng không thể quan sát tại Việt Nam tôi xin bỏ qua, không thống kê.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Các hiện tượng thiên văn này cũng được thống kê trong lịch thiên văn 2013 do VACA phát hành, độc giả yêu thiên văn có thể tham khảo và download trực tiếp tại đây.

Vui lòng hi rõ tên tác giả và nguồn www.thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng lại bài viết này.