Một nhóm nghiên cứu châu Âu đã công bố kết quả của một nghiên cứu kéo dài 30 năm về một sao siêu siêu khổng lồ đặc biệt. Họ đã tìm ra rằng nhiệt độ bề mặt của ngôi sao siêu sáng có tên HR 8752 tăng thêm tới 3000 độ trong thời gian chưa tới 3 thập kỉ, trong một giai đoạn đặc biệt hiếm gặp gọi là "khoảng tiến hóa vàng". Khám phá này đánh dấu một bước tiến quan trọng tới hiểu biết về quá trình tiến hóa của những ngôi sao nặng nhất.

Một nhóm các nhà thiên văn từ 6 quốc gia châu Âu, gồm đài quan sát Hoàng gia Bỉ (ROB) đã nghiên cứu sao siêu siêu khổng lồ HR 8752 trong suốt 30 năm trong khoảng tiến hóa vàng của nó. Khoảng này là một giai đoan ngắn trong đời sống của các ngôi sao nặng nhất khi chúng trở nên rất bất ổn. Nhóm nghiên cứu tìm ra rằng nhiệt độ bề mặt của ngôi sao tăng lên rất nhanh từ 5000 tới 8000 độ chỉ trong chưa tới 30 năm. Các kết quả nghiên cứu được công bố rất gần đây trên tạp chí Thiên văn học và Vật lý thiên văn. Khám phá là một bước quan trọng tiến tới việc hé lộ những bí mật của các sao siêu siêu khổng lồ, những ngôi sao nặng nhất và sáng nhất trong thiên hà.

Các sao siêu siêu khổng lồ có thể phát sáng gaaos hàng triệu lần Mặt Trời, và chúng thường có đường kính gấp Mặt Trời hàng trăm lần. HR 8752 sáng hơn Mặt Trời 1/4 triệu lần. Nó sáng tới mức có thể nhìn thấy với những ống nhòm bình thường bất chấp khoảng cách rất xa từ Trái Đất. Nó nằm trong vị trí của chòm sao Cassiopeia. Tới nay chỉ có 12 sao siêu siêu khổng lồ được biết tới trong thiên hà của chúng ta.

Khoảng tiến hóa vàng là một giai đoạn độc nhất trong đời sống của sao siêu siêu khổng lồ khi nhiệt độ và độ sáng của nó có thể thay đổi rất nhanh. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng khí quyển của ngôi sao rất bất ổn trong khoảng này do năng lượng được phóng ra đôi khi còn lớn hơn năng lượng hấp dẫn. Vì lí do này, các sao siêu siêu khổng lồ mất rất nhiều khối lượng, đôi khi chúng mất một khối lượng tương đương với Mặt Trời mỗi năm. Giai đoạn này diễn ra rất nhanh, đó là lí do vì sao hầu hết các sao siêu siêu khổng lồ đã được quan sát đều đang nằm ngoài giai đoạn này. Vì thế nên trường hợp của HR 8752 được quan sát là hết sức hiếm.

Alex Lobel, nhà khoa học tại ROB và đồng tác giả của nghiên cứu giải thích "HR 8752 được quan sát là một sao có các phun trào bình thường của sao siêu siêu khổng lồ Rho Cas loại F vào năm 1980, nhưng rồi nhiệt độ của nó tăng nhanh thêm 3000 độ và giờ đây quang phổ đo được của nó thuộc về loại sao nóng hơn sao loại A. Chúng tôi cảm thấy lúng túng về sự thay đổi to lớn như vậy của HR 8752 trong khoảng thời gian như thế."

Từ năm 1900 đến năm 1980, nhiệt độ bề mặt của HR 8752 gần như cố định ở mức 5000 độ, nhưng nó đã tăng lên rất nhanh tới 8000 độ từ năm 1985 đến năm 2005. Nhóm nghiên cứu đo được bán kính của ngôi sao đã giảm từ 750 lần xuống chỉ còn 400 lần Mặt Trời.  Vào năm 1985, nhóm nghiên cứu bắt đầu chương trình quan sát dài ngày quang phổ của HR 8752 khi phát hiện ra nó bắt đầu bước vào biên của khoảng tiến hóa vàng.

Số phận của HR 8752 tới nay vẫn chưa được biết chính xác nhưng có những dự đoán rằng những ngôi sao siêu siêu khổng lồ như vậy sẽ có thể bỏ mạng trong những vụ nổ supernova, hoặc chúng sẽ nhanh chóng trải qua khoảng tiến hóa đó và trở thành các sao có độ sáng biến đổi gọi là các sao biến quang sáng xanh. Trong bất kể trường hợp nào nó sẽ tiếp tục được theo dõi bởi Kees de Jager và Hans Nieuwenhuijzen, các nhà thiên văn của viện nghiên cứu không gian Hà Lan ở Utrecht, đồng thời là những người lãnh đạo việc nghiên cứu HR 8752 suốt 3 thập kỉ qua.

VACA
(theo Science Daily)

Chú thích của VACA:
- Sao khổng lồ: giant star
sao siêu khổng lồ: supergiant star
sao siêu siêu khổng lồ: hypergiant star
- Supernova: vụ nổ kết thúc cuộc đời của một ngôi sao, trước đây thường được dịch là siêu tân tinh. Tuy nhiên cách dịch đó dễ gây hiểu nhầm nên chúng tôi không sử dụng.