Các nhà thiên văn học châu Âu đã phát hiện ra một hành tinh với khối lượng tương đương Trái Đất chuyển động quanh một ngôi sao trong hệ sao Alpha Centauri - hệ sao gần Trái Đất nhất. Đây cũng là hành tinh nhẹ nhất ngoài Hệ Mặt Trời từng được phát hiện quanh một ngôi sao như Mặt Trời.

Hành tinh nêu trên được phát hiện nhờ kính thiên văn 3,6 mét của đài quan sát La Silla của châu Âu đặt tại Chile. Kết quả được công bố ngày 17 tháng 10 trên tại chí Nature.

Alpha Centauri là một trong những sao sáng nhất trên bầu trời phía Nam và là hệ sao gần Hệ Mặt Trời nhất, nó chỉ cách chúng ta 4,3 năm ánh sáng. Thực tế đây là một hệ sao ba, gồm có hai ngôi sao tương tự Mặt Trời chuyển động quanh nhau theo quĩ đạo gần, là hai sao Alpha Centauri A và B, sao thứ ba nằm xa hơn và mờ hơn, được biết tới với cái tên Proxima Centauri.

Kể từ thế kỉ 19, các nhà thiên văn bắt đầu suy đoán về các hành tinh quanh hệ sao này, hệ sao gần Hệ Mặt Trời nhất, nhưng các nghiên cứu đã không mang lại kết quả nào cho đến tận lúc này.

Nhóm nghiên cứu châu Âu phát hiện ra hành tinh bằng cách xác định các dao động nhỏ trong chuyển động của Alpha Centauri B gây ra do lực hấp dẫn từ hành tinh. Kết quả cho thấy ngôi sao có sự chênh lệch khoảng 51cm mỗi giây tức là 1,8 km/h so với quỹ đạo chuyển động nếu không có hành tinh. Đây là độ chính xác cao nhất từng đạt được bằng phương pháp này.

Alpha Centauri B là ngôi sao rất giống Mặt Trời nhưng nó nhỏ hơn và kém sáng hơn đôi chút. Hành tinh mới được phát hiện có khối lượng lớn hơn Trái Đất một chút, cách saomej khoảng 6 triệu km, tức là gần hơn nhiều so với quĩ đạo của Sao Thủy quanh Mặt Trời.

Quĩ đạo của ngôi sao còn lại trong hệ sao, sao Alpha Centauri A, nằm ở khoảng cách xa hơn hàng trăm lần, nhưng nó vẫn là một vật thể rất sáng nếu quan sát khi đứng trên bề mặt hành tinh.

Hành tinh đầu tiên ngoài Hệ Mặt Trời đã được phát hiện năm 1995 cùng bởi nhóm nghiên cứu này. Từ đó tới nay họ đã xác nhận thêm 800 hành tinh ngoài hệ nữa nhưng hầu hết chúng lớn hơn Trái Đất nhiều, nhiều trong số đó còn lớn như Sao Mộc.

Thách thức với các nhà thiên văn lúc này là tìm ra và khám phá tính chất của một hành tinh nào đó có khối lượng tương đương với Trái Đất và có quĩ đạo trong vùng sống được của một ngôi sao nào đó. Bước đầu tiên của công việc lúc này đã được hoàn thành.

"Đây là hành tinh đầu tiên với khối lượng tương tự Trái Đất từng được tìm thấy quanh ngôi sao giống Mặt Trời. Quĩ đạo của nó quá gần ngôi sao nên nó sẽ quá nóng để có thể tồn tại sự sống, theo như những gì chúng ta đã biết" Stephane Udry ở đài quan sát Geneva, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết "nhưng nó có thể chỉ là một trong số nhiều hành tinh của hệ. Những kết quả khác của chúng tôi và cả từ kính Kepler đều chỉ ra rằng các hành tinh có khối lượng thấp đều tìm thấy trong những hệ như vậy."

"Kết quả này thể hiện một bước tiến lớn trong việc phát hiện một anh em song sinh của Trái Đất trong vùng lân cận của Mặt Trời. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy thú vị!" Xavier Dumusque, trưởng nhóm nghiên cứu kết luận.

VACA
(theo Space Daily)