Quan sát chi tiết vệ tinh Titan của Sao Thổ tới nay đã kéo dài 30 năm, đủ một chu kì quĩ đạo quanh Mặt Trời của thế giới xa xôi này. Tiến sĩ Athena Coustenis tại đài quan sát Paris-Neudon ở Pháp đã phân tích dữ liệu thu được trong 30 năm này và phát hiện ra sự biến đổi thời tiết ảnh hưởng tới nó nhiều hơn những gì người ta nghĩ trước đây.

Coustenis giải thích: "Cũng như với Trái Đất, các điều kiện trên Titan thay đổi theo mùa. Chúng ta có thể thấy sự khác biệt trong nhiệt độ khí quyển, thành phần hóa học và các biến đổi tuần hoàn, nhất là ở hai cực. Chẳng hạn, các hồ chứa hydrocarbon tạo thành quanh vùng cực bắc trong mùa đông do lạnh gây ra ngưng tụ."

"Tất cả điều này thực sự đáng ngạc nhiên vì chúng tôi không trông đợi vào việc tìm thấy bất cứ thay đổi nhanh nào, đặc biệt là ở các lớp sâu bên dưới của khí quyển."


Lý do chính của vòng tuần hoàn này là bức xạ Mặt Trời. Đó là nguồn năng lượng chính cho khí quyển Titan, phá vỡ các phân tử Nito và methane để tạo thành các phân tử phức tạp hơn như là ethane, và trở thành nguyên nhân chính cho sự biến đổi thành phần hóa học.

Titan có trục nghiêng 27 độ, gần giống với Trái Đất (23,5 độ), có nghĩa là nó gây ra mùa, do ánh sắng Mặt Trời chiếu sáng các vùng khác nhau trong chu kì quỹ đạo của nó. Cousstenis nói: "thật kì diệu là Mặt Trời có thể cung cấp nguồn năng lượng như vậy tới nơi xa như Titan, cách chúng ta tới 1,5 tỷ km."

Những kết luận này được rút ra qua phân tích quan sát của Voyager 1 (1980), đài quan sát không gian hồng ngoại (1997) và Cassini (2004 đến nay), với sự hỗ trợ của các quan sát khác từ mặt đất.

Mỗi mùa trên Titan kéo dài khoảng 7,5 năm, khi mà vệ tinh này cần 29,5 năm để hoàn thành một vòng quanh Mặt Trời (cùng với Sao Thổ), như vậy tới nay dữ liệu quan sát về Titan đã ghi lại đủ chu kì một năm của nó với đủ các mùa.

Coustenis giải thích tại sao việc nghiên cứu vệ tinh này lại quan trọng tới như vậy "Titan là hi vọng lớn nhất chúng ta có để nghiên cứu các điều kiện rất gần với hành tinh chúng ta như khí hậu, thời tiết và sinh vật học cùng một lúc trên một nơi duiy nhất, một thiên đường cho khám phá về thời tiết, khí quyển và các quá trình bên trong."

VACA
Theo Space Daily