Giống như một chuỗi pháo hoa rực rỡ, Herbig-Haro 110 là một mạch khí nóng từ một ngôi sao mới được tạo ra, bắn lên và phun ra khỏi cõi đặc của một đám mây các phân tử hiđrô. Dù chùm khí này trông như các luồng khói, chúng thực ra kém đặc hơn đám khói bắn ra từ pháo hoa bình thường hàng tỉ lần.
Các bức ảnh từ Kính thiên văn không gian Hubble cho thấy các ánh sáng hỗn hợp được tỏa ra từ các chùm khí trải dài hàng năm ánh sáng. Các vật thể Herbig-Haro (HH) mang nhiều hình thù, nhưng các hình thể cơ bản không hề thay đổi. Hai tia khí nóng giống hệt nhau, được bắn ra ở các hướng trái ngược từ ngôi sao đang thành hình, chảy qua không gian giữa các vì sao. Các nhà thiên văn học dự đoán rằng những đợt bắn này lấy năng lượng từ các khí bồi đắp dần thành một ngôi sao trẻ, bao quanh là một đĩa được tạo bởi bụi và khí. Đĩa này chính là bình nhiên liệu, ngôi sao là cơ chế hấp dẫn, và các tia khí là khí thải.
Khi những tia khí đầy năng lượng này va chạm với các khí ở nhiệt độ thấp hơn, sự va chạm này giống như tắc đường ở đường giao lộ. Các khí bị va chạm đầu tiên chậm dần xuống, nhưng càng lúc càng nhiều khí tiếp tục tích tụ khi tia khí phun vào vụ va chạm từ phía sau. Nhiệt độ tăng nhanh chóng, và vùng bị uốn cong chói sáng này tiếp tục tỏa sáng. Những vụ va chạm hình cung này có cái tên của chúng vì chúng giống các đợt sóng được tạo ra ở phía trước một con thuyền.
Với tia khí đơn HH 110, các nhà thiên văn học đã quan sát được một sự hoán vị tuyệt đẹp và bất ngờ trên mô hình cơ bản này. Các nghiên cứu kĩ lưỡng liên tục thất bại trong việc tìm ngôi sao gốc cung cấp nguyên liệu cho HH 110, và lí do cho việc này có thể là vì dòng chảy của HH 110 được tạo ra bởi một tia khí khác.
Các nhà khoa học tin rằng một tia khí khác gần đó HH 270 đã gặp phải một chướng ngại vật không thể di chuyển – một lõi đám mây đặc và lạnh hơn – và bị bắn đi ở một góc khoảng 60 độ. Tia khí sau đó biến mất và tái xuất hiện, lần này ở phiên bản mới của nó là HH 110.
Tia khí cho chúng ta thấy những dòng chảy đầy năng lượng này giống như những đợt bùng nổ từ một ngọn nến La Mã. Khi những cụm khí ở vận tốc cao đuổi kịp và va chạm với các cụm di chuyển chậm hơn, các đợt chấn động mới được tạo ra ở bên trong tia khí. Ánh sáng được phát ra từ các khí ở trạng thái kích động trong các vùng nóng xanh da trời này đánh dấu giới hạn của những va chạm ở bên trong. Bằng đo đạc vận tốc hiện tại và vị trí các cụm khí khác nhau cùng các chuỗi vùng nóng dọc theo tia khí, các nhà thiên văn học có thể tua lại cuộc bùng nổ, dò theo các cụm khí về lúc chúng được phát ra. Kĩ thuật này có thể giúp chúng ta có những khám phá mới về lịch sử tích tụ khối lượng của ngôi sao gốc.
Quỳnh Chi (VACA)
Theo Science Daily