Cho tới bây giờ, Trái Đất là hành tinh duy nhất được biết có trữ lượng nước lớn ở bên trong. Các nhà khoa học đã nghiên cứu lượng nước trên hai thiên thạch có nguồn gốc từ bên trong hành tinh đỏ, và tìm ra lượng nước trên một số nơi của Sao Hỏa lớn hơn nhiều so với dự đoán trước kia, thậm chí ngang bằng với Trái Đất. Kết quả này không chỉ thay đổi những gì chúng ta biết về lịch sử địa chất của Sao Hỏa, mà cũng cho phép những suy luận về cách nước hình thành trên bề mặt Sao Hỏa. Các dữ liệu đề xuất khả năng Sao Hỏa có thể từng tồn tại sự sống.

Nghiên cứu này được chỉ đạo bởi Francis McCubbin, nguyên tiến sĩ nghiên cứu Carnegie, nay làm việc tại Đại học New Mexico. Nghiên cứu được tiến hành bởi nghiên cứu viên Erik Hauri của Học viện Carnegie và nhóm của ông, và được xuất bản trong tạp chí Geology.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên các thiên thạch shergottite. Đó là những thiên thạch khá trẻ và được tạo ra bởi sự tan cục bộ của lớp phủ địa chất Sao Hỏa – lớp nằm ngay dưới vỏ - và hình thành trong lớp dưới bề mặt nông cũng như trên bề mặt. Chúng tới Trái Đất sau khi rời khỏi Sao Hỏa khoảng 2,5 triệu năm trước. Địa hóa học thiên thạch cung cấp các nhà khoa học rất nhiều thông tin về các quá trình địa chất hành tinh này đã trải qua.

“Chúng tôi đã nghiên cứu hai thiên thạch có lịch sử hình thành rất khác nhau.”, Hauri giải thích. “Một thiên thạch đã bị pha trộn khá nhiều với các nguyên tố khác trong quá trình hình thành, trong khi thiên thạch kia thì không. Chúng tôi đã phân tích trữ lượng nước của khoảng chất apatit và thấy có rất ít sự chêch lệch giữa hai thiên thạch dù bản chất hóa học của các vi lượng rất khác nhau. Kết quả gợi ý rằng nước đã được tạo ra trong sự hình thành của Sao Hỏa và hành tinh này đã lưu trữ nước ở bên trong bề mặt trong quá trình phát triển.

Dựa trên lượng nước trong các khoáng chất, các nhà khoa học dự đoán các thiên thạch đến từ nguồn vỏ địa chất có khoảng 70 – 300 phần triệu nước. Để so sánh, lớp vỏ địa chất trên của Trái Đất có khoảng 50 – 300 phần triệu nước. Hauri và nhóm nghiên cứu của ông đã đi đến con số này qua những kĩ thuật và tiêu chuẩn mới được phát triển để có thể xác định lượng nước trong apatit bằng một công nghệ tên là Phép đo phổ khối lượng ion thứ cấp (SIMS).

“Chúng tôi có bằng chứng khá vững chắc về sự tồn tại của nước ở dạng chất lỏng trên bề mặt Sao Hỏa trong một khoảng thời gian nhất định.”, Hauri phát biểu. “Vậy nên giờ lại có thêm câu hỏi tại sao các dự đoán trước kia lại cho rằng bên trong hành tinh rất khô cằn. Nghiên cứu mới này hợp lí hơn và gợi ý về việc các núi lửa có thể là phương tiện chủ yếu để đưa nước lên bề mặt.”

McCubbin kết luận, :Nghiên cứu này không chỉ giải thích cách mà Sao Hỏa có được nguồn nước, mà còn cho chúng ta biết một cách thức để lưu trữ hiđrô trong các hành tinh dạng trái đất vào thời điểm hình thành.” Công trình này được hỗ trợ bởi quý trợ cấp hóa vũ trụ học NNX11AG76G, NNX10AI77G của NASA, Tổ chức vũ trụ New Mexico và học viện Carnegie.

Quỳnh Chi (VACA)
Theo Science Daily