Các nhà khoa học tin rằng dòng khí hydro được khám phá gần đây nằm giữa hai thiên hà Andromeda và Pinwheel là phần còn lại sau một vụ va chạm gần đây giữa hai thiên hà này.

Những nghiên cứu gần đây của kính thiên văn Green Bank (GBT) của quỹ khoa học quốc gia (Mỹ) cho thấy hai trong số các thiên hà láng giềng của chúng ta đã có một cuộc va chạm khoảng vài tỷ năm trước. Các quan sát mới xác nhận một phát hiện vào năm 2004 về một dòng khí hydro chảy giữa hai thiên hà Andromeda (M31) và Pinwheel (M33).

"Các tính chất của khí này cho thấy hai thiên hà này đã áp sát nhau trong quá khứ", Jay Lockman tại đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia (NRAO) cho biết "Nghiên cứu liên kết khí giữa hai thiên hà này có thể là chìa khóa dẫn tới hiểu biết về quá trình phát triển của cả hai"

Hai thiên hà cách chúng ta khoảng 2,6 và 3 triệu năm ánh sáng, chúng đều là các thành viên của Cụm thiên hà Địa phương (The Local Group), gồm có Milky Way (thiên hà của chúng ta) và hơn 30 thiên hà khác.

Vào năm 2004, các nhà thiên văn học đã khám phá ra một chiếc cầu nối bằng hydro giữa các thiên hà qua việc sử dụng kính thiên văn vô tuyến Westerbork Synthesis tại Hà Lan, nhưng các nhà khoa học khác tỏ ra hoài nghi về khả năng kĩ thuật của phát hiện này. Các nghiên cứu chi tiết với độ nhạy của GBT xác nhận sự tồn tại của các cầu hydro này, ngoài ra nó còn phát hiện 6 cụm khí đậm đặc nằm giữa dòng khí.

Các quan sát về các cụm này cho thấy chúng có vận tốc tương đối so với Trái Đất tương đương với vận tốc của hai thiên hà, chứng tỏ rằng chúng cũng là một phần của dòng khí nêu trên.

Khi các thiên hà áp sát nhau, một kết quả xảy tới là cái gọi là "đuôi thủy triều" là khí bị đẩy ra không gian giữa các thiên hà tạo thành dòng chảy nối hai thiên hà. Spencer Wolfe tại đại học Tây Virgina nói "Chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều khả năng khí hydro giữa M31 và M33 là kết quả để lại của một cái đuôi thủy triều để lại do một cuộc chạm trán trong quá khứ của hai thiên hà này, khoảng vài tỷ năm trước. Cuộc chạm trán này xảy ra đã lâu vì bằng chứng là chúng không hề cho thấy dấu hiệu nào của sự đổ vỡ hiện nay."

"Khí mà chúng tôi nghiên cứu rất mỏng và bức xạ vô tuyến mờ nhạt, mờ tới nỗi không thể được phát hiện bởi hầu hết các kính thiên văn vô tuyến hiện nay", Lockman nói, "Chúng tôi dự định sử dụng khả năng của GBT để tiếp tục công việc này và tìm hiểu nhiều hơn về khí cũng như có thể là quĩ đạo của hai thiên hà".

VACA
(theo Astronomy)