Một hiện tượng thiên văn được nhiều người chú ý sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 5 sắp tới, đó là nhật thực hình khuyên. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta chỉ có thể quan sát nhật thực một phần do khu vực của chúng ta chỉ nằm trong vùng nửa tối của bóng Mặt Trăng, ngoài ra quá trình này diễn ra vào rạng sáng nên người quan sát tại Việt Nam sẽ chỉ quan sát được giai đoạn sau của hiện tượng này.
Như chúng ta đã biết, quĩ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời và quĩ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất đều là hình elip nên khoảng cách giữa các thiên thể không phải là cố định mà có sự thay đổi. Về cơ bản, khoảng cách từ Mặt Trời tới Trái Đất gấp khoảng 400 lần giữa Trái Đất với Mặt Trăng và đường kính của Mặt Trời cũng lớn hơn đường kính của Mặt Trăng với tỷ lệ tương tự. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này dẫn tới việc trong những lần nhật thực toàn phần, Mặt Trăng có thể che vừa khít Mặt Trời. Tuy vậy, vì yếu tố quĩ đạo trên, có những trường hợp nhật thực xảy ra khi Trái Đất đang nằm ở những điểm gần Mặt Trời và Mặt Trăng thì lại nằm ở điểm xa Trái Đất trên quĩ đạo. Lúc này độ lớn biểu kiến trên bầu trời của Mặt Trời lớn hơn của Mặt Trăng nên trong nhật thực Mặt Trăng không thể che hết Mặt Trời mà để lại một phần rìa sáng có dạng như một chiếc nhẫn. Hiện tượng như vậy gọi là nhật thực hình khuyên.
(nhật thực hình khuyên)
Theo thông tin dự báo của các nhà thiên văn, hiện tượng nhật thực hình khuyên diễn ra ngày 20 tháng 5 sắp tới chỉ có rất ít khu vực trên thế giới quan sát được do phần lớn khu vực có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng nằm giữa Thái Bình Dương. Các khu vực đất liền có thể quan sát hiện tượng này bao gồm một phần phía Tây nước Mỹ và một phần Đông Á.
Tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể quan sát nguyệt thực một phần do chúng ta chỉ nằm trong vùng bóng nửa tối của Mặt Trăng. Đáng tiếc hơn nữa, thời gian hiện tượng này diễn ra nằm vào rạng sáng ngày 21 tháng 5 và kết thúc rất sớm vào khoảng hơn 6 giờ sáng theo gờ Việt Nam tức là khi Mặt Trời mới mọc chưa cao. Do vậy chúng ta chỉ có cơ hội quan sát giai đoạn cuối của nhật thực một phần này.
Dưới đây là hình ảnh thống kê chi tiết thời gian xảy ra nhật thực tại Việt Nam theo kết quả tính toán của NASA. Trong hình chúng tôi lấy chuẩn tọa độ của Hà Nội, các địa phương khác trong nước cũng có kết quả tương tự với chênh lệch thời gian không đáng kể (giờ trong hình là giờ UT, giờ tại Việt Nam là UT+7 /UT: Universal Time, gần như trùng với GMT).
Các thông tin khác cũng như hướng dẫn quan sát hiện tượng này sẽ tiếp tục được chúng tôi đưa tin trong những ngày tiếp theo.
Đặng Vũ Tuấn Sơn
(CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam - VACA)
Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này