Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos và một nhóm nghiên cứu quốc tế đã công bố việc khám phá ra các ion oxy (O2+) trong tầng cao khí quyển của Dione, một trong số 62 vệ tinh đã biết của Sao Thổ. Khám phá này có được nhờ các dữ liệu quan sát của tàu không gian Cassini do NASA phóng từ năm 1997.

Dione được phát hiện năm 1684 bởi nhà thiên văn Giovanni Cassini (tàu không gian của NASA được đặt theo tên của ông), nó chuyển động trên quĩ đạo quanh Sao Thổ ở khoảng cách gần bằng với khoảng cách của Mặt Trăng tới Trái Đất. Nó là một vệ tinh nhỏ với đường kính 700 dặm, một khối đá với lớp băng bao phủ và nhiều vết tích do các cuộc tấn công của thiên thạch. Dione có chu kì chuyển động rất ngắn, nó chuyển động một vòng quanh Sao thổ trong chỉ 2,7 ngày. Điều này làm nó bị tấn công mạnh mẽ bởi các ion mang điện do từ trường mạnh mẽ của Sao Thổ. Các ion này làm di dời các ion oxy phân từ trong khí quyển của Dione thông qua một quá trình gọi là phún xạ.

Máy cảm biến quang phổ plasma của tàu Cassini (CAPS) đã phát hiện ra các ion oxy này trong lần bay qua hành tinh này vào năm 2010. Nó đã được chú ý bởi Robert Tokar và Michelle Thomsen, các nhà nghiên cứu tại Los Alamos.

Nồng độ oxy đo được tương đương với nồng độ oxy trên cao 300 dặm trong khí quyển Trái Đất. Nồng độ như vậy không đủ để duy trì sự sống, nhưng cùng với việc quan sát các vệ tinh khác của Sao Thổ và Sao Mộc thì đây là bằng chứng về việc một quá trình tạo thành oxy có thể diễn ra trong các thiên thể băng do sự bắn phá của photon hoặc các hạt mang điện từ các nguồn gần đó.

Thú vị nhất có lẽ là khả năng có thể có nước ở bề mặt của vệ tinh Europa của Sao Mộc. Các chương trình tương lai sẽ làm sáng tỏ về khả năng tồn tại của sự sống trên vệ tinh này.

VACA
(theo Science Daily)