Mức độ chưa từng có của cáckhis nhà kính trong khí quyển Trái Đất đang phá vỡ các mô hình đóng băng thông thường, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại đại học Florida công bố hôm mùng 8 tháng 1 trên tạp chí Nature Geoscience.

Theo những mô hình đã được chấp nhận của thiên văn học, thời kì ấm áp của Trái Đất hiện nay đã bắt đầu cách đây 11.000 năm có thể sẽ kết thúc để bắt đầu cho một kỉ băng hà mới trong 1.500 năm tới.

Tuy nhiên, mức độ carbon dioxide (CO2) hiện nay trong khí quyển Trái Đất là quá cao làm cho khí quyển quá nóng để có thể lạnh đi nhiều như vậy theo như những dự đoán trước đây. Nhóm nghiên cứu hợp tác giữa đại học London, đại học Cambridge và đại học Florida cho biết thông tin từ các nghiên cứu của họ chỉ ra rằng kỉ băng hà như dự kiến sẽ bị trì hoãn khoảng 10.000 năm.

"Thoạt nghe thì có vẻ như đây là một tin tốt, nhưng trên thực tế thì không hề", Jim Channell, giáo sư chuyên ngành địa chất tại đại học Florida cho biết "Những tảng băng đã bắt đầu gặp vấn đề như phần ở phía Tây của Nam cực. Khi chúng thật sự tan ra và trở thành một phần khối lượng của đại dương thì sẽ gây ảnh hưởng lớn lên mực nước biển. Băng sẽ tiếp tục tan chảy như thế cho tới khi thời kì lạnh đi bắt đầu".

Nghiên cứu dựa vào cơ chế của sự biến đổi khí hậu trong các thời kì trước để dự đoán sự xảy ra của kỉ băng hà tiếp theo. Sử dụng các mô hình thiên văn trong đó có chuyển động chi tiết của Trái Đất trong hàng triệu năm qua, các nhà thiên văn có thể tính được hiệt lượng từ Mặt Trời chuyển tới Trái Đất trong thời kì băng hà và đóng băng toàn cầu trước đây. Mô hình chỉ ra rằng thời kì băng hà tiếp theo của Trái Đất sẽ diễn ra vào khoảng 1.500 năm nữa.

Tuy nhiên, lượng khí nhà kính quá cao giam chặt nhiệt lượng Mặt Trời trong khí quyển của Trái Đất, hơn rất nhiều so với nhiều triệu năm trước, do đó việc lạnh đi mạnh mẽ như dự đoán sẽ không thể xảy ra theo như mô hình ban đầu.

Nhiều triệu năm trước, mức độ carbon dioxide trong khí quyển theo như phân tích từ các mẫu băng, là không bao giờ đạt được tới 280 phần triệu. Vậy mà hiện nay, tỷ lệ này đã là 390 phần triệu, và sự biến đổi đột ngột này mới bắt đầu xảy ra trong 150 năm qua.

Trong hàng triệu năm, Trái Đất trải qua các thời kì băng hà rồi lại nóng lên, lạnh đi theo từng thời kì do sự biến đổi của lượng carbon dioxide trong khí quyển. Tuy nhiên ngày nay chúng ta sử dụng các chất đốt quá nhiều làm lượng carbon dioxide này tăng lên bất thường và quá trình làm lạnh không thể nào theo kịp.

Nghiên cứu này có vai trò rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến sự biến đổi của khí hậu và môi trường sống của chúng ta trong hàng triệu năm.

VACA
(theo Spacedaily)