Năm 2012 sắp tới. Chúng ta đã bỏ lỡ tới hai lần nguyệt thực toàn phần và nhiều hiện tượng thiên văn thú vị khác của năm 2011. Tuy nhiên năm 2012 sắp tới sẽ lại có những hiện tượng thiên văn khác không kém phần hấp dẫn mà bạn có thể quan sát. Dưới đây là danh sách các hiện tượng thiên văn có thể quan sát tại Việt Nam trong năm 2012.

 

1. Ngày 3, 4 tháng 1: Mưa sao băng Quadrantids. Đây là trận mưa sao băng cỡ trung bình, diễn ra vào khoảng từ mùng 1 tới mùng 5 tháng 1 hàng năm. Trận mưa sao băng này có trung tâm là chòm sao Bootes, cực điểm sẽ rơi vào đêm 3, 4 tháng 1. Nếu thời tiết thuận lợi thì vào khoảng sau 2 giờ đêm các ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 1 tới, hãy nhìn về bầu trời phía đông, bạn sẽ thấy chòm sao Bootes đã mọc lên, bạn có thể nhìn hình dưới để xác định chòm sao này, đó là tâm điểm của trận mưa sao băng.


Mưa sao băng Quadrantids, hình chụp từ phần mềm Stellarium

2. Ngày 3 tháng 3: Sao Hỏa sẽ gần Trái Đất nhất trong chu kì của nó, đây là cơ hội rất tốt để bạn có thể thấy trọn vẹn một nửa bề mặt của hành tinh đỏ nếu có một chiếc kính thiên văn. Với những kính thiên văn loại nhỏ hoặc các ống nhòm bạn sẽ thấy nó hiện lên là một khối cầu rất nhỏ màu đó còn với các kính lớn hơn, sẽ không quá khó để nhìn rõ màu sắc và vị trí của chỏm băng ở cực của hành tinh này.

3. Ngày 14 tháng 3: Sao Kim và Sao Mộc sẽ gặp nhau trên bầu trời. Đây cũng chính là hai hành tinh sáng nhất mà bạn có thể quan sát trên thiên cầu. Vào tối 14/3 hai hành tinh này sẽ nằm rất gần nhau, chỉ cách nhau 3 độ trên bầu trời. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho những người yêu thiên văn sử dụng các thiết bị của mình quan sát hai hành tinh (nhất là Sao Mộc). và tất nhiên ngay cả với mặt thường đây vẫn là một hiện tượng thú vị, rất hiếm khi bạn có thể thấy hai đốm sáng đẹp nhất bầu trời năm ngay cạnh nhau.

4. Ngày 15 tháng 4: Sao Thổ sẽ nằm ở vị trí gần nhất có thể trên quĩ đạo của nó, khi nó nằm ở vị trí phía bên kia Trái Đất so với Mặt Trời. Vị trí gần cũng như điều kiện ánh sáng như vậy sẽ là lý tưởng để người quan sát có thể chiêm ngưỡng màu sắc và vành sáng tuyệt đẹp của hành tinh này qua các kính thiên văn.


Sao Thổ - hành tinh đẹp nhất Hệ Mặt Trời khi không tính tới Trái Đất của chúng ta.

5. Ngày 21, 22 tháng 4: Mưa sao băng Lyrids. Đây là trận mưa sao băng loại trung bình/nhỏ với mật độ chỉ khoảng 20 sao băng/giờ. Tâm điểm của nó là chòm sao Lyra. Bạn chỉ nên quan sát hiện tượng này nếu thời tiết và các điều kiện thực sự lý tưởng.

6. Ngày 5, 6 tháng 5: Mưa sao băng Eta Aquarids. Đây là trận mưa sao băng nhỏ, thường chỉ khoảng 10 sao băng/giờ vào lúc cực điểm. Chúng ta không nên kì vọng vào hiện tượng này. Tuy nhiên những người yêu thích thiên văn vẫn có thể dành ít thời gian ngắm bầu trời nếu thời tiết cho phép.

7. Ngày 20 tháng 5: Nhật thực hình khuyên. Khu vực chính quan sát được nằm ở giữa Thái Bình Dương. Chỉ có một phần của Bắc Mỹ, Bắc và Đông Á quan sát được. Tại Việt nam chúng ta chỉ có thể quan sát pha nửa tối của hiện tượng này.

8. Ngày 4 tháng 6: Nguyệt thực một phần. Trong lần nguyệt thực này chỉ có khoảng 1/3 đĩa sáng của mặt Trăng bị che khuất. Ở Việt Nam chúng ta sẽ thấy được giai đoạn cuối của hiện tượng này.

9. Ngày 5, 6 tháng 6: Sao Kim sẽ đi qua Mặt Trời. Đây là hiện tượng rất hiếm xảy ra, lần tới nó xảy ra sẽ là vào năm 2117 tức là còn những hơn 1 thế kỉ nữa để chúng ta có thể quan sát hiện tượng này. Đây là cơ hội hiếm có không thể bỏ qua với các nhà quan sát và những người yêu thiên văn. Tuy nhiên hãy lưu ý cẩn thận với đôi mắt của bạn khi trực tiếp nhìn vào Mặt Trời.

10. Ngày 28, 29 tháng 7: Mưa sao băng Nam Delta Aquarids. Đây là trận mưa sao băng cỡ trung bình/nhỏ với tâm điểm là chòm sao Aquarius. Nếu thời tiết cho phép, bạn sẽ có cơ hội quan sát trận mưa sao băng này.

11. Ngày 12, 13 tháng 8: Mưa sao băng Perseids. Một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm và cũng là một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhát hàng năm sẽ rất dễ quan sát nêu như thời tiết đẹp (không mây). Khác với năm 2011, năm 2012 tới chúng ta sẽ gần như không bị Mặt Trăng "làm phiền" khi quan sát hiện tượng này.

12. Ngày 24 tháng 8: Sao Thủy sẽ nằm ở vị trí gần nhất, rất thuận lợi cho việc quan sát hành tinh này. Tuy nhiên ngay cả với các kính thiên văn loại nhỏ, chỉ có thể thấy nó hiện ra là một quả cầu cực nhỏ màu xanh.

13. Ngày 29 tháng 9: Sao Thiên Vương sẽ nằm ở vị trí gần nhất. Với các kính thiên văn trung bình và lớn, chúng ta sẽ có thể xác định được vị trí và màu xanh của hành tinh xa xôi này.

14. Ngày 21, 22 tháng 10: Mưa sao băng Orionids. Trận mưa sao băng tương đối lớn hàng năm có tâm điểm là chòm sao Orion. Năm 2012 tới này, Mặt Trăng sẽ không hề có mặt vào thời gian cực điểm của trận mưa sao băng nên nếu thời tiết không có biến cố gì thì chúng ta có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.


Bức ảnh chụp một sao băng của mưa sao băng Orionids năm 2011, nó đã được bình chọn là một trong những bức ảnh thiên văn đẹp nhất năm 2011.

15. Ngày 17, 18 tháng 11: Mưa sao băng Leonids. Trận mưa sao băng khá lớn đạt cực điểm vào ngày 17, 18 tháng 11 hàng năm. Cũng như các trận mưa sao băng lớn khác mà chúng ta đã nhắc tới như Perseids, Orionids, mưa sao băng Leonids năm tới cũng sẽ rất dễ quan sát nếu thời tiết cho phép vì Mặt Trăng sẽ không có mặt làm loá mắt người quan sát.

16. Ngày 27 tháng 11: Sao Kim và Sao Thổ gặp nhau trên bầu trời. Đốm sáng đẹp nhất bầu trời (Sao Kim) và hành tinh được coi là đẹp nhất Hệ Mặt Trời sẽ chỉ cách nhau 1 độ trên bầu trời vào tối 27 tháng 11. Rất hiếm khi bạn có thể thấy hai thiên thể sáng như vậy nằm ngay sát nhau, và nếu có một chiếc kính thiên văn thì đừng bỏ lỡ cô hội này để quan sát hai hành tinh (chủ yếu là Sao Thổ).

17. Ngày 28 tháng 11: Nguyệt thực nửa tối. Tuy không làm Mặt Trăng sang màu đỏ sẫm thú vị như với nguyệt thực toàn phần hay một phần, nhưng với việc toàn bộ Mặt Trăng tối lại và chuyển sang sắc đỏ thì đây cũng là một hiện tượng khá thú vị. Đây cũng là dịp tốt để chúng ta quan sát kĩ bề mặt thiên thể này qua kính thiên văn. Việt nam sẽ quan sát được trọn vẹn hiện tượng này.


Nguyệt thực nửa tối tháng 12 năm 2010 tại hà Nội được chụp bởi Đặng Vũ Tuấn Sơn (VACA)

18. Ngày 13, 14 tháng 12: Mưa sao băng Geminids. Trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm (cùng với Perseids) sẽ rất lý tưởng để quan sát nếu trời không có mây. Có thể nói năm 2012 sẽ là một năm tuyệt vời cho việc quan sát các trận mưa sao băng khi chúng ta không bao giờ bị Mặt Trăng quấy rầy. Đây cũng là hiện tượng thiên văn đáng chú ý cuối cùng của năm.

Đặng Vũ Tuấn Sơn (VACA)
(Tham khảo: Seasky.org, NASA)