Mưa sao băng Geminids là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhấttrong năm, đồng thời là hiện tượng thiên văn cuối cùng của năm 2011 này. Tuy nhiên, Mặt Trăng sẽ là cản trở lớn cho những người quan sát để có thể thấy được các sao băng của hiện tượng hấp dẫn này.

 

Mưa sao băng Geminids (Geminids Meteor Shower) là hiện tượng diễn ra hàng năm do hàng loạt các mẩu đá nhỏ (thiên thạch) lao vào khí quyển Trái Đất khi Trái Đất đi qua khu vực quĩ đạo có chứa chúng, những mẩu đá này đều là phần tàn tích để lại trên đường đi của sao chổi 3200 Phaethon khi nó đi vào Hệ Mặt Trời.

Đến nay, Geminids là trận mưa sao băng lớn nhất và đáng quan sát nhất mỗi năm, mặc dù ở những vùng có khí hậu lạnh và mây mù thì việc quan sát sẽ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với khi quan sát mưa sao băng Perseids vào tháng 8.

Năm nay cực điểm của trận mưa sao băng này sẽ rơi vào ngày 14 tháng 12 tới, không phải vào thời gian ban đêm của Việt Nam, do vậy cả đêm 13 và đêm 14 tháng 12 sẽ đều là những thời điểm bạn quan sát được trận mưa sao băng này. Vào hai tối này, từ 10 giờ tối bạn đã có thể thấy chòm sao Gemini (Song Tử) ở cao khoảng 30 độ trên chân trời phía Đông, ngay vị trí của Mặt Trăng. Càng về đêm chòm sao này sẽ càng lên cao và đó chínhlaf khu vực trung tâm của trận mưa sao băng này.

 



Vào cực điểm, Geminids có thể đạt tới 100-120 sao băng mỗi giờ hoặc thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên năm nay, thật đáng tiếc vì Mặt Trăng sẽ rất sáng ngay vị trí trung tâm của chòm sao này vào đêm 13 và chỉ thấp hơn một chút vào đêm 14 tháng 12, ánh sáng của nó sẽ che mờ các sao băng mà bạn có thể thấy. Do vậy ngay cả với điều kiện tời tiết tốt thì nếu bạn thấy được 15 đến 20 sao băng mỗi giờ vào hai đêm cực điểm nêu trên thì đó đã là một điều may mắn.

 



Làm sao để quan sát trận mưa sao băng này?

  • Bạn không cần kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào, hãy dùng mắt thường để quan sát.
  • Khác với đa số các trận mưa sao băng nhỏ hơn, với Geminids bạn có thể quan sát trước nửa đêm khi bắt đầu thấy rõ chòm sao Geminids (rất dễ xác định vị trí của nó vì vào đêm 13 nó ở cùng vị trí với Mặt Trăng còn đêm 14 thì sẽ cao hơn một chút). Để tránh phải thức đêm trong thời tiết hiện nay nhất là với các tỉnh miền Bắc thì tối 14 tháng 12 này là thời điểm hợp lý nhất để quan sát.
  • Mặt Trăng quá sáng sẽ che mờ các sao băng tại trung tâm của chòm sao Gemini, do đó để quan sát được một số sao băng, bạn không nhất thiết tập trung điểm nhìn vào trung tâm của nó, hãy quan sát các vùng cách Mặt Trăng khoảng 20 đến 30 độ, các vùng trời tối hơn gần đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để thấy được sao băng. Đêm 14 sẽ là thời điểm quan sát lý tưởng hơn do mặt Trăng tuy vẫn sáng nhưng sẽ nằm thấp hơn chòm sao Gemini nên sẽ ít gây ảnh hưởng hơn cho việc quan sát hiện tượng này.
  • Lưu ý điều kiện thời tiết, bạn chỉ có thể thấy sao băng nếu trời không mây
  • Chọn địa điểm phù hợp, hạn chế ô nhiễm không khí và không bị ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mắt (Ví dụ như đèn trên các cột đèn đường, đèn từ các công trường xây dựng ...) và tất nhiên vẫn phải bảo đảm an toàn cho bản thân bạn
  • Chuẩn bị trang phục mũ áo đầy đủ để bảo vệ sức khỏe bản thân và đừng quên sáng hôm sau bạn sẽ còn nhiều việc cần làm.
  • Cuối cùng khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hãy thật kiên nhẫn, đừng rời mắt khói bầu trời, ngay cả vào lúc cực điểm có thể bạn sẽ phải nhìn liên tục tới 10 phút mới thấy một vệt sao băng lao qua!


Chúc các bạn may mắn!

Đặng Vũ Tuấn Sơn