Chương trình Kepler của NASA được thực hiện với mục đích khảo sát trong thiên hà của chúng ta (Milky Way) sự tồn tại của các hành tinh với kích thước Trái Đất nằm trong "vùng sống được", nơi cho phép nước lỏng tồn tại; và thống kê xem có bao nhiêu trong số hàng tỷ sao trong thiên hà có những hành tinh như vậy. Giờ đây, lại thêm một hành tinh nữa được đưa vào danh sách này.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Steve Howell tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA đã tìm thấy trong vùng khảo sát của Kepler một hành tinh có bán kính chỉ bằng 1,6 lần bán kính Trái Đất và năng hơn không quá 10 lần hành tinh chúng ta, chuyển động quanh sao mẹ với chu kì 2,8 ngày. Chu kì quá ngắn này cùng với việc sao mẹ rất sáng nên nhóm gồm hơn 65 nhà thiên văn phải dùng tới rất nhiều kính thiên văn mặt đất để quan sát và kiểm tra kết quả này.
Với chu kì chỉ có 2,8 ngày, hành tinh được đặt tên là Kepler 21b này chỉ cách sao mẹ có 6 triệu km. Trong khi đó ta biết rằng hành tinh gần Mặt Trời nhất trong hệ của chúng ta là Sao Thủy có chu kì là 88 ngày và cách Mặt Trời tới 57 triệu km. Như vậy Kepler 21b nóng hơn rất nhiều điều kiện cho phép con người có thể tồn tại. Các nhà khoa học tính toán ra nhiệt độ bề mặt của hành tinh này vào khoảng 1900K (hay 2960F), không hề có nước lỏng tồn tại trên hành tinh này.
Ngôi sao mẹ có kí hiệu HD 179070 khá giống với Mặt Trời của chúng ta với khối lượng bằng 1,3 lần khối lượng Mặt Trời và bán kính gấp 1,9 lần, tuổi của nó là khoảng 2,84 tỷ năm, có phần trẻ hơn so với Mặt Trời đã 4,6 tỷ tuổi. HD 179070 nằm trong dãy quang phổ F6 IV, nóng và sáng hơn Mặt Trời, nó nằm cách Mặt Trời chỉ 352 năm ánh sáng nhưng chỉ có thể được nhìn thấy với sự hỗ trợ của các kính thiên văn nhỏ.
Vấn đề khó khăn để phát hiện được ra hành tinh này là các nhà thiên văn chỉ có thể phát hiện ra các hành tinh như thế khi chúng lướt qua trước ngôi sao mẹ làm độ sáng biểu kiến bị biến động. Nhưng với Kepler 21b thì chu kì quá ngắn của nó khiến việc phát hiện trở nên khó khăn. Nhóm nghiên cứu đã phải kết hợp vớikeets quả chụp quang phổ và quan sát của các kính thiên văn mặt đất để phát hiện ra hành tinh này.
Kết quả này đã được công bố trên tạp chỉ Vật lý Thiên văn
VACA
Theo Sciencedaily