Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa quyết định trao giải Nobel về vật lý năm nay thành hai nửa, một cho Saul Perlmutter với dự án vũ trụ học nghiên cứu các supernova (sao siêu mới/siêu tân tinh) tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, đại học California và nửa còn lại cho Brian P. Schmidt tại đại học quốc gia Australia cùng Adam G. Riess tại đại học Johns Hopkins, Baltimore với dự án High-z Supernova, cả hai nhóm dự án này đã nghiên cứu sự giãn nở gia tốc của vũ trụ qua việc quan sát các supernova ở khoảng cách xa.
"Một số người nói rằng thế giới sẽ kết thúc trong lửa, và một số nói rằng nó sẽ kết thúc trong băng giá" Robert Frost viết. Định mệnh thật sự của vũ trụ là gì? Có lẽ đúng là nó sẽ kết thúc trong băng giá nếu như chúng ta tin tưởng vào những người đoạt giải Nobel vật lý năm nay. Họ đã nghiên cứu hàng chục các vụ nổ của sao mà ta gọi là các supernova, và nhận ra rằng vũ trụ của chúng ta đang giãn nở với gia tốc lớn chưa từng thấy. Kết quả này làm kinh ngạc chính những người tìm ra nó.
Năm 1998, ngành vũ trụ học bị lay chuyển bởi khám phá của hai nhóm nghiên cứu độc lập. Một nhóm thành lập từ năm 1988 đứng đầu bởi Saul Perlmutter, và nhóm còn lại do Brian Schmidt đứng đầu bắt đầu nghiên cứu từ cuối năm 1994 (Adam Riess đóng một vai trò quan trọng trong nhóm này).
Hai nhóm nghiên cứu chạy đua trong việc vẽ bản đồ vũ trụ với việc quan sát vị trí của các supernova xa nhất. Sự hoàn thiện của các kính thiên văn mạnh hơn cả trên mặt đất và ngoài không gian cũng như các mô hình máy tính ngày càng phát triển mở ra cho họ những cơ hội giải thêm nhiều bài toán hơn về vũ trụ trong những năm 1990.
Hai nhóm đã tập trung nghiên cứu cụ thể riêng một loại supernova, gọi là các supernova loại Ia. Đây là vụ nổ của các ngôi sao già đã co lại, chúng có khối lượng của Mặt Trời nhưng kích thước chỉ bằng Trái Đất. Một supernova như vậy khi bùng nổ có thể bức xạ ra cường độ ánh sáng bằng cả một thiên hà. Cả hai nhóm nghiên cứu đều phát hiện được hơn 50 supernova với độ sáng yếu hơn những gì dự kiến, điều đó nói lên rằng vũ trụ của chúng ta đang giãn nở gia tốc.
Đã gần một thế kỉ chúng ta biết rằng vũ trụ hiện nay là kết quả của một vụ nổ lớn (Big Bang) cách đây khoảng 14 tỷ năm. Nhưng việc nó tiếp tục giãn nở với gia tốc lớn thật sự là một kết quả đáng kinh ngạc, sự tiếp tục giãn nở này sẽ dẫn đến việc vũ trụ sẽ kết thúc cuộc đời của mình trong cái lạnh của băng.
(Lưu ý: đến nay khám phá này mới được trao giải, trên thực tế các thông tin đã được công bố cách đây khá lâu, nhưbanj có thể đọc trong bài "Big Bang và bức tranh của chúng ta về vũ trụ")
Gia tốc giãn nở của vũ trụ được tin rằng xuất phát từ năng lượng tối. Nhưng bản chất của loại năng lượng này đến nay vẫn là bí ẩn, có lẽ là bí ẩn lớn nhất trong vật lý ngày nay (đọc thêm bài "Vật chất tối và năng lượng tối"). Người ta dự đoán rằng năng lượng tối chiếm khoảng 3/4 tổng năng lượng của vũ trụ, tuy nhiên với kết quả khám phá của hai nhóm nghiên cứu đoạt giải Nobel năm nay, một lần nữa con số này là khó có thể tưởng tượng, mọi thứ đều có thể xảy ra.
Những người được giải:
Saul Perlmutter: công dân Mỹ, sinh năm 1959, là nhà vật lý thiên văn tại đại học California từ năm 1986 là từ năm 1988 thành lập và đứng đầu nhóm dự án Supernova
Brian P. Schmidt: quốc tích Mỹ và Australia, sinh năm 1967, Lãnh đạo dự án High-z supernova tại đại học quốc gia Australia
Adam G. Riess: quốc tịch Mỹ, sinh năm 1969 tại Washington. Giáo sư thiên văn và vật lý tại đại học Johns Hopkins và viện khoa học kính thiên văn không gian Baltimore
VACA
Theo Sciencedaily